Truyện Ve sầu và kiến viết lại cũng lấy cốt truyện ve sầu ca hát suốt mùa hè, không chịu đi kiếm thức ăn, để đến mùa đông không tìm đâu ra lương thực. Tuy nhiên, khác với cái kết của truyện thơ La Fontaine, ve sầu phải qua nhà kiến xin thức ăn và tỏ ra hối hận vì chỉ lo ca hát, truyện viết lại “để” cho kiến chủ động mang thức ăn qua cho ve sầu và nói “nhờ có tiếng hát của anh mà tôi có thể vui vẻ, hăng say làm việc suốt cả mùa hè. Nay tôi mang lương thực qua để cám ơn anh về điều đó”.
Trở lại với vấn đề đang làm nóng dư luận mấy ngày qua, đó là việc xây dựng trái phép công trình Panorama ở Mã Pì Lèng - một trong “tứ đại đỉnh đèo” được xếp vào hàng di tích danh lam thắng cảnh của đất nước. Tất nhiên, việc xây dựng như vậy là không thể chấp nhận. Thế nhưng, cũng không thể quên đi thực tế mà như chính các cán bộ lãnh đạo ở đây chia sẻ, đại ý “Vùng giáp biên vất vả lắm. Phên giậu mà, lo từng thứ một! Bà con Mèo Vạc vẫn phải vật lộn với đói nghèo. Huyện đã nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng chẳng nhà đầu tư nào đến”. Dư luận mấy ngày qua đã có không ít ý kiến nhắc đến thực trạng này, cũng như đặt vấn đề phải có sự hỗ trợ cho người dân ở đây. Trên thực tế, nhiều năm nay Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ tài chính cho các địa phương vùng giáp biên như huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vậy sao Mèo Vạc vẫn gặp khó? Câu trả lời của nhiều chuyên gia: “Bởi vì về cơ bản, Mèo Vạc vẫn phải tự giải quyết tất cả các vấn đề của mình. Trong khi đó, để cân đối tất cả các mục tiêu, không đơn giản, thậm chí khó khả thi”.
Tại một đô thị năng động như TPHCM, khi bàn đến việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, cố GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đã từng đề xuất không nên cào bằng các chỉ tiêu phát triển cho các quận huyện. Từng địa phương có thế mạnh gì thì ưu tiên phát huy thế mạnh đó. Ví dụ, để phát triển công nghiệp thì nên ưu tiên cho các quận Bình Tân, Tân Phú… Huyện Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển, lá phổi của thành phố, chỉ cần làm tốt công tác bảo vệ rừng là được. TPHCM sẽ điều tiết nguồn thu từ các địa phương khác cho huyện Cần Giờ làm tốt nhiệm vụ này. Các quận huyện khác cũng không “thiệt” vì sự chia sẻ này, bởi sau giờ làm việc, người dân của họ có thể tới Cần Giờ du lịch, nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng…
Mở rộng trên phạm vi cả nước, nếu huyện Mèo Vạc không phải gánh quá nhiều mục tiêu mà trong chừng mực nào đó “vượt sức của một huyện miền núi”, đó là “vừa đảm bảo cuộc sống người dân, thu hút đầu tư, giữ gìn di sản…” thì có lẽ mọi việc đã tốt hơn. Mèo Vạc nói riêng và rất nhiều địa phương khác có danh lam thắng cảnh tương tự rất cần sự hỗ trợ của các địa phương khác để làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó không phải là sự hỗ trợ mang tính “từ thiện” mà là hỗ trợ mang tính “trách nhiệm”.
Trách nhiệm của tất cả các địa phương đối với danh thắng của đất nước. Muốn làm được việc này, theo nhiều chuyên gia phải bắt đầu từ các quy định của pháp luật, từ sự phân vai trách nhiệm cụ thể đối với mỗi địa phương. Địa phương nào có lợi thế về phát triển kinh tế thì tập trung phát triển kinh tế và có trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí giúp các địa phương có danh lam thắng cảnh bảo tồn, giữ gìn các danh lam này.
Câu kết rất hay của truyện Ve sầu và kiến viết lại là kiến bảo với ve “anh có giọng hát, còn tôi có đôi tay. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cuộc sống vui hơn, có ích hơn”. Đúng vậy, cùng nhau chia sẻ khó khăn cũng như thuận lợi, mọi việc sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn