Mức bồi thường này không nhỏ và thường được tính trên cơ sở những thiệt thòi về tinh thần, thời gian, công sức… mà người dân đã mất để tiến hành việc di dời. Bên cạnh đó là những chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm nơi ở mới cho người dân.
Tại TPHCM, từ nhiều năm trước đây, không ít chuyên gia, kiến trúc sư và một số sở ngành của thành phố đã quan tâm đến phương thức tiếp cận công tác đền bù cho người dân như vậy.
Cách nay gần 10 năm, khi xây dựng quy chế quản lý kiến trúc trục đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt…, các kiến trúc sư của Sở QH-KT TPHCM đã đặt vấn đề, nếu phải giải tỏa những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” mặt tiền dọc tuyến đường này, giao đất cho nhà đầu tư mới xây cao ốc, nên thực hiện theo hướng vừa đảm bảo chỗ ở vừa đảm bảo có chỗ cho người dân mưu sinh.
Nghĩa là người dân vừa có căn hộ để ở vừa có thể chia sẻ mặt bằng kinh doanh với chủ đầu tư ở tầng trệt. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều chuyên gia, nhưng tiếc rằng không có cơ chế để thực thi…
Hay như ý tưởng mời người dân bị giải tỏa làm đô thị cảng Hiệp Phước góp cổ phần bằng đất hoặc bằng tiền cùng chủ đầu tư, kinh doanh từ sự hình thành của đô thị này cũng vậy.
TPHCM cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, dạy nghề để chuyển đổi nghề cho người dân bị giải tỏa, nhất là người dân vùng nông thôn nhưng kết quả thu được không cao. Vẫn còn nhiều quy định chưa cập nhật được với thực tế, theo nhiều chuyên gia, là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Với tất cả những gì đang diễn ra, thiết nghĩ các cơ quan có chức năng của Nhà nước nên tiến hành rà soát lại tất cả. Điều chỉnh, sửa ngay những bất cập. Đặc biệt, xây dựng một hành lang pháp lý thật chặt chẽ, hướng tới đầy đủ quyền lợi hợp pháp về đất đai, nhà cửa của người dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Kéo dài những bất cập này, cả Nhà nước, người dân và nhà đầu tư đều thiệt thòi.