Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội), hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng. Và theo Nghị định 90/2017 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y), tại điểm b khoản 2 Điều 7 quy định phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trường hợp súc vật gây ra thiệt hại, chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Ngoài ra, hành vi thả rông chó gây hậu quả nguy hiểm cho tính mạng con người có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người, người nào vô ý làm chết người sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù 1 - 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù 3 - 10 năm.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, pháp luật Việt Nam đã dự liệu được tác hại nguy hiểm của hành vi thả rông chó nơi công cộng đối với tính mạng, sức khỏe con người. Tuy đã có chế tài để xử lý đối với chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi thả rông chó ra nơi công cộng, nhưng cách thức thực hiện chưa quyết liệt và số tiền phạt chưa đủ lớn để khiến các chủ thể vi phạm phải nghiêm chỉnh chấp hành.