Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 về việc khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, hành vi của bác sĩ nêu trên là hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài việc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ chứng chỉ hành nghề, bác sĩ này sẽ bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013).
Trường hợp xác định có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuôc, bán thuốc, hoặc dịch vụ y tế khác); có thể bị phạt tù 1 - 5 năm. Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, hoặc tệ nhất là gây tổn hại đến tính mạng của người khác.
Thực tế, sẽ rất khó cho các cơ sở khám chữa bệnh xác minh tính chính xác chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ làm việc cho họ khi hiện nay chưa hề có một hệ thống dữ liệu lưu trữ thông tin của các bác sĩ mà người dân có thể tiếp cận, tra cứu được.
Để hạn chế rủi ro của mình, các cơ sở khám chữa bệnh có thể quy định cụ thể một điều khoản trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, ràng buộc người bác sĩ phải có trách nhiệm cung cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa mà họ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hành nghề, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của chứng chỉ này.
Ngoài ra, Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cơ sở khám chữa bệnh sẽ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người làm công của mình gây ra trong khi thực hiện công việc được giao. Tuy nhiên cũng theo quy định tại điều này, các cơ sở khám bệnh có quyền yêu cầu người làm công có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.