Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ gần 40 năm nay đã thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Đảng, Nhà nước đã đổi mới nhiều chủ trương, chính sách chăm lo những người có công với đất nước. Gần 10 triệu người có công thường xuyên nhận được chế độ ưu đãi, phần nào đền đáp sự cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Nhìn chung, từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến hoạt động tri ân của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã có sự đồng bộ, tạo được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng thẳng thắn mà nói, vẫn còn đôi điều bất cập, khoảng trống cần bàn thảo để hoạt động tri ân liệt sĩ, thương binh, những người có công ngày càng tốt hơn.
Phải nói rằng, bên cạnh hệ thống quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, vẫn còn sự nhìn nhận một cách xơ cứng, hành chính của một bộ phận những người làm công tác quản lý Nhà nước và thực thi chính sách với những người có công. Không nhiều nhưng vẫn có nơi, có lúc, hoạt động tri ân mang tính hành chính, ban ơn. Của cho không bằng cách cho. Ở đây không có sự cho mà việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công còn chậm, và có nơi còn vi phạm pháp luật như biển thủ, tham nhũng, sử dụng sai mục đích tài chính, ngân sách.
Ngoài chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước với những người có công, việc xã hội hóa các hoạt động tri ân chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh; đôi khi lạm dụng, ảnh hưởng đến mục đích và ý nghĩa nhân văn của hoạt động tri ân. Vẫn còn những vụ việc mượn danh hoạt động tri ân để vụ lợi, gây thất thoát tài chính, vật chất, đặc biệt làm mất uy tín, xúc phạm đến danh dự của những người hoạt động tri ân chân chính.
Cùng với việc xã hội hóa các hoạt động tri ân, gần đây, Đảng và Nhà nước chấp thuận chủ trương thành lập các tổ chức xã hội nhằm chung tay thực hiện các hoạt động tri ân, giải quyết hậu quả chiến tranh như: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Chất độc da cam/dioxin... Các tổ chức xã hội này qua thực tiễn đã tỏ rõ tính nhân văn, trách nhiệm xã hội cao cả, thực sự là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị trong việc đền ơn đáp nghĩa.
Cũng qua thực tiễn hoạt động của các tổ chức xã hội này đặt ra những vấn đề phải suy ngẫm. Trước hết, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về tôn chỉ, mục đích, chế độ, chính sách… của các tổ chức xã hội nhằm tạo điều kiện cho tổ chức xã hội, thiện nguyện hoạt động hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Như đã nói ở trên, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công với đất nước vừa là đạo lý, truyền thống văn hóa; vừa là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Xã hội không ngừng vận động, phát triển, do đó cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với người có công. Đặc biệt, bên cạnh tổ chức bộ máy thực hiện hoạt động tri ân tinh gọn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”.
Từ trái tim đến trái tim, việc tri ân phải xuất phát từ trách nhiệm, nghĩa vụ và tấm lòng.