Trách nhiệm nghề nghiệp

Hoạt động của nghệ sĩ ở nước ngoài không ít lần khiến dư luận bức xúc lẫn thất vọng. Mới đây, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc vợ chồng nghệ sĩ Quốc Nghiệp - Ngọc Mai trong không gian có cắm cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài làm cho hình ảnh vợ chồng nghệ sĩ này ít nhiều mất đi niềm tin mà khán giả trao gửi.

Nhiều người thẳng thắn bày tỏ thái độ không ủng hộ, thậm chí có ý kiến khắt khe hơn khi một trong hai vợ chồng đã nhận danh hiệu NSƯT, nhưng ý thức về việc giữ gìn hình ảnh còn quá hời hợt.

Ngay sau khi đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, nghệ sĩ Quốc Nghiệp đăng bài giải thích trên trang cá nhân, trần tình: “Sau hơn 2 tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một cô chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý xung quanh, không kiểm soát chi tiết gì lọt vào camera. Qua việc này, Quốc Nghiệp - Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra”. Lời phân trần này càng khiến khán giả thêm bức xúc, vì không thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót trong việc giữ gìn hình ảnh của một người nổi tiếng.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, hiện vẫn chưa có quy định về việc nghệ sĩ không thuộc các cơ quan nghệ thuật nhà nước quản lý khi ra nước ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải xin giấy phép, ngoại trừ các trường hợp ra nước ngoài để tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói trong câu chuyện hoạt động của nghệ sĩ ở nước ngoài chính là ý thức mỗi người. Cao hơn mọi quy định, chế tài pháp luật chính là tinh thần làm việc nghiêm túc và ý thức để gìn giữ sự công nhận, niềm tin mà khán giả ủng hộ, bởi không phải ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng được công chúng gọi là nghệ sĩ.

Có thể thấy, trong xu thế công nghệ 4.0, nghệ sĩ không chỉ có hoạt động trên sân khấu mà các nền tảng mạng xã hội cũng là kênh để tăng kết nối với khán giả và hoạt động biểu diễn một cách gián tiếp. Mọi hoạt động từ các nền tảng trực tuyến này đang có sức ảnh hưởng và lan tỏa nhanh hơn bao giờ hết, thuật toán và công nghệ số dễ dàng đưa một hình ảnh, video vừa đăng tải lan truyền nhanh trong chớp mắt. Việc ý thức giữ gìn hình ảnh của nghệ sĩ không chỉ là trong hoạt động biểu diễn trực tiếp, mà chính những chia sẻ trên không gian mạng càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì một khi đã lan truyền thì khó mà thu hồi được.

Người làm công việc nghệ thuật đòi hỏi phải có tài năng đi cùng sự rèn luyện, thậm chí là khổ luyện nghiêm túc, nhưng để chạm đến hào quang của thành công một cách trọn vẹn, trong đó phải có sự công nhận và ủng hộ từ khán giả. Dù là sáng tạo tác phẩm nghệ thuật ngẫu hứng, hàn lâm hay tác phẩm theo đơn đặt hàng, nếu không có công chúng thì bài hát, bộ phim, bức tranh, vở kịch… làm ra cho ai xem? Và nghệ thuật vốn tác động trực tiếp đến tinh thần người tiếp nhận, việc khán giả đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật chất lượng lẫn người nghệ sĩ cũng phải giữ hình ảnh chừng mực nhất định, không có gì là quá đáng. Cái đẹp được tạo dựng từ những con người ý thức, chuẩn mực, đó mới là giá trị bền vững và tích cực mà nghệ sĩ trao cho cộng đồng.

Không chỉ có công việc trong lĩnh vực nghệ thuật, mà bất kể ngành nghề nào cũng có trách nhiệm xã hội. Và người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo hay công việc nào cũng có trách nhiệm nghề nghiệp nhất định. Người nghệ sĩ biết giữ cho mình hình ảnh chừng mực trong lòng công chúng, ý thức rõ ràng về lượt theo dõi, lượt thích mà công chúng dành cho mình trên mạng xã hội, để chia sẻ và lan tỏa hình ảnh, nội dung tích cực…, đó cũng là cách để giữ trọn vẹn trách nhiệm với nghề nghiệp và sự ủng hộ của khán giả.

Tin cùng chuyên mục