Trước đó, năm 2019, đường dây buôn lậu và sản xuất xăng giả quy mô lớn của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng) ở Sóc Trăng cũng đã bị lực lượng chức năng triệt phá.
Những thực tế nêu trên cho thấy, nạn sản xuất, kinh doanh, buôn bán xăng giả, kém chất lượng đang trở nên đáng báo động và có thể tiếp tục trở thành vấn nạn nếu các cơ quan quản lý không làm hết trách nhiệm của mình, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.
Xăng giả, kém chất lượng, xăng lậu không chỉ phá hoại thị trường, gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính mà còn gây hỏng động cơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho phương tiện giao thông. Cách đây vài năm, ở nhiều nơi từng xuất hiện tình trạng ô tô, xe máy cháy nổ hàng loạt. Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng dư luận nghi ngờ do xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn gây ra.
Năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ với số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng; tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng dầu các loại. So với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, với các mánh lới như: bán xăng dầu ngoài hệ thống, không rõ nguồn gốc, làm sai lệch kết quả đo, bơm chồng số, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu...
Vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý nhập khẩu, sản xuất, pha chế, kinh doanh xăng dầu được quy định rất chặt chẽ, nhiều lần bổ sung, điều chỉnh nhưng vì sao vẫn có hàng trăm triệu lít xăng dầu giả đưa ra thị trường? Vì sao có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm giám sát về thương mại và chất lượng, xăng dầu nhưng các cơ quan chức năng lại để lọt các đường dây làm xăng giả quy mô lớn, không phát hiện được kịp thời, gây bất bình cho xã hội? Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chất lượng xăng dầu hiện nay vẫn còn lỗ hổng, chồng chéo đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, nhiều yếu kém.
Mới đây, Bộ Công thương đã tiến hành thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và dự kiến sẽ rút giấy phép đối với 4 - 5 doanh nghiệp vi phạm. Đây là việc làm cần thiết để răn đe các doanh nghiệp khác. Song, cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan cũng cần phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện các đầu mối, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước theo phạm vi trách nhiệm được giao, qua đó kiên quyết xử lý, tiếp tục thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu, sản xuất, pha chế, hệ thống kinh doanh phân phối, nhất là tăng cường hậu kiểm để xử lý, rút giấy phép của các doanh nghiệp vi phạm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, phân phối các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu…
Các lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường, lực lượng biên phòng ngăn chặn hiệu quả hơn hoạt động buôn lậu xăng dầu, nhất là khu vực trên biển và biên giới Tây Nam.
Bộ Công an cần tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các đường dây tội phạm, nhất là những kẻ bảo kê, tiếp tay cho sản xuất, tiêu thụ xăng giả, bởi đây chính là những mắt xích để hợp thức hóa xăng giả, xăng lậu tuồn ra thị trường.