Vậy mà nhiều trường đang cho chặt hạ hàng loạt cây xanh trong sân trường, do hiệu trưởng sợ trách nhiệm, sợ liên lụy nếu không may cây gãy đổ gây ra tai nạn như sự cố vừa xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng.
Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP (về quản lý cây xanh đô thị), có quy định rõ về các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
Theo đó, khi cây trong khuôn viên trường học bị gãy đổ gây thiệt hại thì người đầu tiên được xác định phải chịu trách nhiệm là hiệu trưởng. Mặt khác, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Do đó, nếu có thiệt hại về người, tài sản khi cây xanh gãy đổ thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu hoặc được giao chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, đó là trên nguyên tắc, thực tế không phải mọi trường hợp đều phải bồi thường. Bởi đây là bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng, vì thế bồi thường chỉ khi có thiệt hại thực tế, có yếu tố lỗi, có quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cây xanh sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu đó là sự kiện bất khả kháng (bất ngờ) hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do vậy, nếu trước khi cây xanh bị gãy đổ mà nhà trường đã làm mọi biện pháp như thường xuyên kiểm tra để phát hiện mối mọt hay cây bị rỗng, cắt tỉa các cành cây, bảo vệ, chăm sóc cây, hoặc đã báo với đơn vị liên quan đến quản lý cây xanh đô thị để xử lý nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn; đã làm hết khả năng, trách nhiệm để phòng ngừa nhưng do mưa to, gió lớn mà cây xanh bị gãy đổ, gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường. Do đó, lãnh đạo các trường học không nên quá lo lắng đến nỗi cho chặt trụi cây xanh trong sân trường, vì như vậy là vô lý, không cần thiết.