Trách nhiệm của toàn xã hội

Có thể nói, một trong những hình ảnh đau lòng cho nền giáo dục Việt Nam những ngày qua là việc một nhóm học sinh ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) đã dồn cô giáo vào góc tường và dùng những lời lẽ không đúng chuẩn mực với cô giáo của mình.

Ảnh vụ việc cắt từ clip
Ảnh vụ việc cắt từ clip

Dĩ nhiên, có thể điều này xuất phát từ kỹ năng sư phạm của cô giáo hoặc vì các em học sinh còn nhỏ, chưa có suy nghĩ chín chắn, dễ bị kích động và có những hành động bất thường để thể hiện sự không đồng tình của mình…

Học sinh của những thời kỳ trước cũng trải qua những bất ổn do tâm lý lứa tuổi như học sinh ngày nay. So với trước đây, các kỹ năng sư phạm của giáo viên bây giờ được đào tạo bài bản hơn. Nhưng rõ ràng bối cảnh xã hội, môi trường xã hội hiện nay có phần khác. Tôn sư trọng đạo không chỉ là việc của học sinh mà còn là của phụ huynh. Phụ huynh cần kính trọng thầy, cô giáo của con mình, luôn xem con mình có lỗi mới bị thầy, cô giáo trách phạt chứ không bao giờ trách lại thầy cô giáo.

Vì thế, mỗi khi con cái bị thầy cô trách phạt ở trường thì về nhà, phụ huynh cũng uốn nắn con cái của mình. Còn một khi phụ huynh không tôn trọng thầy, cô giáo thì làm sao họ có thể là tấm gương, có thể dạy con mình việc tôn sư trọng đạo? Cho nên, chúng ta vẫn thỉnh thoảng chứng kiến cảnh phụ huynh vào trường xúc phạm, hành hung thầy, cô giáo của con mình.

Một vấn đề lớn hiện nay là giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng tiếp xúc với internet và mạng xã hội gần như hàng ngày, có những cái tốt nhưng cũng không ít cái xấu. Những hành động, những biểu tượng của bạo lực xuất hiện thoải mái trên môi trường mạng... đã tác động đến một bộ phận giới trẻ, nhất là các em học sinh.

Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để môi trường internet, mạng xã hội trở thành môi trường của những điều hợp chuẩn? Một mình nhà trường, một mình thầy, cô giáo dù có tốt đến mấy cũng không thể giáo dục học sinh tốt được, khi các em bị bao quanh bởi một bối cảnh xã hội, một môi trường sống còn nhiều thứ phi chuẩn mực.

Tin cùng chuyên mục