Trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như thế nào? (Vũ Thế Linh, quận 3, TPHCM)

Trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như thế nào? (Vũ Thế Linh, quận 3, TPHCM)

Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế Tổng hợp - Thanh tra TPHCM, trả lời: Để đảm bảo hiệu lực, giám sát, Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) quy định cụ thể trách nhiệm của người giải quyết KNTC, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết KN trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội (QH), HĐND, đại biểu QH, đại biểu HĐND như sau:

– Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết KNTC, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH có quyền yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trả lời yêu cầu đó trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết (Khoản 2 và 3 Điều 86 Luật KNTC).

– Người có thẩm quyền khi nhận được KNTC do đại biểu QH, đại biểu HĐND chuyển đến phải xem xét, giải quyết và trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho đại biểu QH, đại biểu HĐND đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết (Khoản 2 Điều 87 Luật KNTC).

Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch HĐND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết KNTC; khi nhận được KNTC có trách nhiệm nghiên cứu, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết (Khoản 2 Điều 89 Luật KNTC).

Ngoài ra, Luật KNTC cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải tạo điều kiện để các cơ quan của QH, HĐND các cấp, đại biểu QH, đại biểu HĐND giám sát việc thi hành pháp luật về KNTC (Điều 90 Luật KNTC).

Đối với các kiến nghị của UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Khoản 2 Điều 91 quy định: cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được các đơn thư khiếu nại, tố cáo do UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 7 ngày; kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết.

H.H ghi

Tin cùng chuyên mục