Theo ACCC, hơn 100 người đã nằm trong tầm ngắm sau khi cơ quan này nhận được thông tin tố giác của nhiều người tiêu dùng về việc xuất hiện những đánh giá sai lệch, gây hiểu lầm về trải nghiệm sản phẩm hàng tiêu dùng hoặc dịch vụ trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống, thể thao, nuôi dạy trẻ, trò chơi điện tử và công nghệ.
Chủ tịch ACCC, bà Gina Cass-Gottlieb, nhấn mạnh những thông tin tố cáo cho thấy cộng đồng tại Australia đang lo ngại trước sự gia tăng chưa từng có các “mánh lới” quảng cáo gian lận trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Theo bà Cass-Gottlieb, ACCC đã mở cuộc điều tra nhằm vào các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Snapchat, YouTube và nền tảng phát trực tuyến Twitch của Amazon. ACCC sẽ làm rõ liệu các nhà quảng cáo, nhà tiếp thị, các thương hiệu và các nền tảng mạng xã hội có đang tiếp tay cho những hành vi gian lận hay không.
Trước đó, ACCC đã thực hiện hàng loạt cuộc điều tra, trong đó tập trung vào các bài viết được trả phí và nội dung quảng cáo của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Đây là một phần trong chiến dịch điều tra mở rộng nhằm vào các dịch vụ nền tảng kỹ thuật số giai đoạn 2020-2025 của Australia. Theo quy định, những cá nhân vi phạm luật tiêu dùng của Australia có thể bị phạt tới 1,78 triệu USD. Trong bối cảnh kinh doanh bùng nổ trên các nền tảng kỹ thuật số, người tiêu dùng có xu hướng đặt niềm tin vào các sản phẩm được những người có ảnh hưởng giới thiệu. Vì vậy, ngoài tuân thủ những quy định về luật tiêu dùng, những người có ảnh hưởng còn phải thấy trách nhiệm của mình khi đưa ra những đánh giá về sản phẩm, bởi những quảng cáo sai sự thật không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có thể gây tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.