Nghệ sĩ là những người được công chúng yêu mến, có khả năng ảnh hưởng đến thị hiếu của nhiều người, không kể già, trẻ, vùng miền. Tận dụng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ để phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm là nhu cầu có thật của doanh nghiệp và với nhiều nghệ sĩ, đây cũng là một trong những nguồn thu góp phần nuôi dưỡng việc theo đuổi con đường nghệ thuật của họ. Song tiếc thay, ý nghĩa của mối quan hệ tương hỗ đó hiện đang có nhiều dấu hiệu biến tướng khi lợi ích vật chất được đẩy lên vị trí trọng yếu, lấn lướt đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp.
Trước đây, cũng đã từng có một vài vụ việc công chúng lên án và thậm chí là tẩy chay khi nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho một loại mỹ phẩm mà sau này được phát hiện là có nguồn gốc không rõ ràng… Vụ việc này khiến nhiều nghệ sĩ phải đăng đàn để “giãi bày”, nhận lỗi với người tiêu dùng với lý do họ cũng là nạn nhân. Sau đó, tất nhiên, công chúng cũng rộng lòng tha thứ. Ở nước ngoài, câu chuyện về nghệ sĩ bị tẩy chay, các doanh nghiệp bị người tiêu dùng quay lưng do “mập mờ”, không minh bạch trong việc “lồng nội dung quảng cáo” vào các clip, video được đăng tải trên các kênh, tài khoản cá nhân cũng đã xảy ra.
Những tưởng bài học đó sẽ khiến nhiều người làm nghệ thuật thuộc nằm lòng, song có lẽ cũng vì lợi ích kinh tế chi phối, vì vị kỷ cá nhân hay vì công chúng cũng dễ tha thứ mà gần đây nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ vì “lợi” bỏ “danh”, lại một lần nữa giẫm chân vào vết xe đổ trước đó. Người thì quảng cáo thuốc giảm cân - thực ra là thực phẩm chức năng, người PR cho kem trộn dưỡng da… và gần đây là hiện tượng hàng loạt status trên mạng xã hội Facebook của một loạt nghệ sĩ được cho là quảng bá cho việc kinh doanh tiền ảo - một loại hình hoạt động chưa được cấp phép ở Việt Nam - khiến dư luận bất bình.
Để xảy ra tình trạng trên do nhiều nguyên nhân và của nhiều bên liên quan. Rõ ràng, doanh nghiệp quảng cáo đã không trung thực ngay từ đầu; sau nữa là nghệ sĩ chưa hoặc không kiểm tra độ xác thực của sản phẩm được quảng cáo dẫn đến bị lợi dụng hình ảnh, hoặc cũng có thể nghệ sĩ biết điều đó nhưng vì lợi ích vật chất chi phối nên bắt tay cùng doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật. Dù vậy, vì bất cứ lý do gì, nghệ sĩ cũng có trách nhiệm trong việc quảng cáo sai về sản phẩm.
Việc các nghệ sĩ vô tình hay cố ý tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thiếu tin cậy, không có kiểm chứng không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại vật chất, sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của cá nhân nghệ sĩ, dẫn tới cái nhìn sai lạc về những người làm nghệ thuật. Nghệ sĩ - người của công chúng mà bị công chúng nghi ngờ, quay lưng cũng đồng nghĩa với việc họ tự đánh mất cơ hội để làm nghệ thuật. Đó là chưa nói đến chuyện chính họ cũng là người liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu hành vi quảng cáo đó được kết luận là quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng, để lại hậu quả nghiêm trọng…
Văn hóa là giá trị mà giá trị thì cần có thời gian để kết tinh. Những thứ hào nhoáng, kỳ lạ có thể thu hút sự tò mò trong những giai đoạn ngắn nhất định nhưng không trở thành giá trị văn hóa. Trong kinh doanh cũng vậy, để một doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp đó cần có văn hóa kinh doanh, cần thể hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội đối với việc kinh doanh của mình.
Và việc gìn giữ uy tín, hình ảnh, thận trọng trong đời sống riêng tư cũng như trong việc sử dụng nghệ danh ngoài cuộc sống, chính là sự thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội và cộng đồng.