Trà Vinh: Giá cam sành giảm còn 2.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng

Ngày 22-10, ông Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành (ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết, giá cam sành đang lao dốc, hiện ở mức 2.000 đồng mỗi ký khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, lỗ nặng.

Giá cam sành tại Trà Vinh chỉ còn 2.000 đồng mỗi ký, nông dân gặp nhiều khó khăn
Giá cam sành tại Trà Vinh chỉ còn 2.000 đồng mỗi ký, nông dân gặp nhiều khó khăn

Theo ghi nhận, giá cam sành loại 1 được thương lái cân tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng hoặc không thu hoạch vì sợ lỗ tiền thuê nhân công.

Nông dân Phạm Văn Đăng (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè) có thâm niên trong nghề trồng cam cho biết: giá thu mua 2.000 đồng/kg như hiện nay thì nhà vườn lỗ luôn tiền vật tư. Nếu thuê nhân công để thu hoạch thì sợ không đủ tiền để trả. Với giả rẻ chưa từng có nhưng hiện rất ít thương lái đến thu mua. “Gia đình tôi chỉ biết hái cam bán lẻ cầm chừng hoặc cân sỉ cho các quán bán nước ép với giá 5.000 đồng/kg”, ông Đăng than.

CAM3.jpg
Cam chín nhưng không có thương lái đến thu mua
CAM4.jpg

Cũng như ông Đăng, nhiều nông dân đang trồng cam ở Trà Vinh lao đao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh, không có thương lái đến thu mua. Ông Hồ Văn Hải ở xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè) cho hay, ông canh tác 1ha cam sành, chi phí đầu tư hơn 350 triệu đồng. Với giá cam 2.000 đồng/kg, gia đình đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa (huyện Cầu Kè) Huỳnh Bá Nhanh cho biết, trước năm 2021, giá cam sành luôn ở mức từ 18.000 - 35.000 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 1 tỷ đồng/ha. Nếu như những năm trước, nhiều nông dân là “tỷ phú cam sành” thì khoảng 2 năm trở lại đây nhiều nông dân làm ăn cầm chừng để trả lãi ngân hàng. Đầu ra khó khăn mà giá vật tư đầu vào thì tăng “phi mã”.

CAM5.jpg
Cam sành tại Cầu Kè đang chín cây, nông dân neo lại chờ có giá

Theo ông Nhanh, nguyên nhân giá cam sành giảm sốc là do cam chỉ được tiêu thụ trong nước. Trong khi những tháng gần đây, mưa bão cũng là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ cam chậm lại. Ngoài ra, những năm gần đây, diện tích trồng cam ở ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ liên tục tăng, sản lượng cũng tăng theo dẫn đến cung vượt cầu.

Vĩnh Long được xem là “thủ phủ” của cam sành với diện tích trên 17.000ha; kế đến là Hậu Giang với diện tích 9.000ha và Tiền Giang là trên 5.000ha. Còn tại Trà Vinh, trong năm 2024, cam sành có 4.700ha diện tích trồng cam sành, trong đó có trên 3.400ha đang cho trái, sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm.

Tin cùng chuyên mục