Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Những ngày đầu năm mới 2020, chúng tôi về xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) được nghe nhiều chuyện về chính quyền địa phương chung sức hỗ trợ người dân xóa nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Trần Thái Phong, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hòa bộc bạch: “Kim Hòa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang, toàn xã có 6 ấp với gần 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 70%. Qua rà soát hộ nghèo Khmer chiếm 9,45%, do thiếu vốn làm ăn, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu lao động, gia đình có người bệnh, neo đơn, không có tay nghề…”.
Anh Kim Tuấn Sỹ, ngụ ấp Giữa, tâm sự: “Trước đây vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do không nghề, không tư liệu sản xuất. Được địa phương hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản, chỉ khoảng 2 năm đã tích lũy được nguồn vốn và vừa xây nhà mới trị giá 80 triệu đồng, bây giờ đã thoát nghèo”.
“Có thể nói, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đạt nhiều kết quả đáng kể, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người dân cơ bản đã được đáp ứng, như về nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục, y tế… Kết quả năm 2019, toàn huyện Cầu Ngang giảm nghèo đạt 3,26% hộ, tương đương 1.316 hộ, vượt 96 hộ so với chỉ tiêu trên giao” - Bí thư Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Cùng với huyện Cầu Ngang, việc thực hiện chính sách giảm nghèo ở các huyện khác của tỉnh Trà Vinh trong năm qua cũng đạt kết quả khích lệ. Đến hết tháng 11-2019, từ các chương trình cho vay, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 47.505 lượt hộ vay, với tổng số tiền 968 tỷ đồng; trong đó có 3.042 hộ nghèo, 4.864 hộ cận nghèo và 17.087 lượt hộ mới thoát nghèo, vay vốn sản xuất.
Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội còn thực hiện các chương trình cho vay khác để thúc đẩy giảm nghèo, như giải quyết cho 613 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn; 2.416 hộ vay giải quyết việc làm; 358 hộ vay xuất khẩu lao động; 764 hộ nghèo vay hỗ trợ nhà ở...
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Cùng các chương trình trên, Trà Vinh còn quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tính đến cuối tháng 9-2019 đã cấp phát 479.168 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, với tổng kinh phí 379 tỷ đồng.
Đồng thời, sở cũng hỗ trợ thêm thu nhập hàng tháng cho nhiều hộ với mức 1 triệu đồng/hộ/tháng. Trong năm qua, các ngành chức năng thực hiện tốt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài".
Ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đã yêu cầu các huyện hàng năm rà soát hộ dự kiến thoát nghèo, thoát cận nghèo để xác định nguyên nhân nghèo, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; rà soát nhu cầu về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm của người còn trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, để có giải pháp hỗ trợ; đề xuất các ngành tập trung nguồn lực giúp bà con thoát nghèo bền vững. Các huyện xem xét phân công cán bộ trong cấp ủy, các hội đoàn thể...phụ trách hỗ trợ các xã thực hiện giảm nghèo; đỡ đầu những hộ được dự kiến thoát nghèo.
Các địa phương tăng cường phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các hộ đủ điều kiện tham gia dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo vay thêm vốn tín dụng ưu đãi. Ngành nông nghiệp và các đơn vị chức năng đánh giá các mô hình giảm nghèo đã triển khai có hiệu quả nhằm nhân rộng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện.
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết tới đây huyện sẽ chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, khuyến khích và phát huy năng lực của người dân góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.