Báo SGGP số ra ngày 26-8 có bài viết “Thiếu chăm chút trạm dừng, nhà chờ xe buýt”, phản ánh tình trạng xuống cấp ở các điểm này khiến người dân ngại đi xe buýt. Tôi hoàn toàn đồng tình. Theo tôi, hiện tại, số lượt người đi xe buýt đang có xu hướng giảm, trong khi các phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Nguồn chi từ ngân sách nhà nước để trợ giá vé xe buýt hàng năm cả ngàn tỷ đồng cũng không làm tăng số lượt người đi xe buýt, đó là nghịch lý cần được các cấp, các ngành phối hợp tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân chưa thu hút đó là việc đi xe buýt chưa thật sự tiện lợi, nhất là vỉa hè dành cho người đi bộ thường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, để xe...
Để đến được nhà người cháu ở đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM), tôi chọn hai tuyến xe buýt số 8 và số 29. Tôi phải đi bộ từ đường Nguyễn Văn Trỗi sang đường Huỳnh Văn Bánh rồi đường Phan Đình Phùng, tới đường Hoàng Văn Thụ, gần ngã tư Phú Nhuận - nơi có trạm chờ - để đón tuyến xe buýt số 8 về chợ Thủ Đức, sau đó lên xe buýt tuyến 29 đến đường Liên Phường, phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Điều tôi chưa hài lòng là trên lề đường Nguyễn Văn Trỗi, xe máy vẫn chạy ngược xuôi, người đi bộ không biết chỗ nào để tránh. Đặc biệt lề đường Phan Đình Phùng đã nhỏ hẹp lại còn bị chiếm dụng, nên có chỗ tôi phải xuống lòng đường để đi. Việc đi bộ dưới lòng đường dành cho các phương tiện giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho người đi bộ mà còn cho cả những người tham gia giao thông. Tình trạng chiếm dụng hè phố cũng xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, do vậy đề nghị ngành chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn xe hai bánh chạy lên lề đường và trả vỉa hè cho người đi bộ.