Trả vỉa hè cho người đi bộ

Cách nay hơn 10 ngày, tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường và vỉa hè trên địa bàn để buôn bán, làm bãi đậu xe; phải trả vỉa hè cho người đi bộ. Trả vỉa hè cho người đi bộ là một vấn đề bức xúc và cấp bách để xây dựng thành phố khang trang, trật tự, văn minh, có chất lượng sống tốt. Đó cũng chính là trách nhiệm nghiêm chỉnh thực thi pháp luật về giao thông đường bộ.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Nghiêm cấm các hành vi sử dụng lòng đường, hè phố trái phép để họp chợ, mua bán hàng hóa, tụ tập đông người trái phép, đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì phải đi sát mép đường. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Quy định pháp luật đã rất rõ ràng như vậy, nhưng thực tế lòng đường và vỉa hè ở hầu hết các con đường trên địa bàn TPHCM vẫn bị chiếm dụng để làm bãi đậu xe, mở hàng quán, chất vật liệu xây dựng, dựng bảng hiệu quảng cáo... Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, vừa không an toàn vừa vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Chính quyền nhiều nơi làm ngơ cho việc chiếm dụng trái phép vỉa hè vì tâm lý thỏa hiệp, ngại va chạm; hoặc vì thờ ơ thiếu trách nhiệm, viện lý do không đủ nhân sự; và tệ hại nhất là có nhiều trường hợp chỉ vì lợi ích cục bộ mà tùy tiện cho thuê vỉa hè, thậm chí cả lòng đường để buôn bán, làm bãi giữ xe, bãi đậu xe.

Trên nền tảng một đô thị cũ, quy mô nhỏ, TPHCM đã bùng phát dân số quá cao, khiến sự phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội bất cập. Trong khi đó, xe cá nhân vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu, kéo theo tình trạng lòng đường thường ùn tắc vì lưu lượng xe quá lớn. Thành phố ngày càng chật chội, các quận nội thành với kiến trúc xây dựng từ nhiều năm trước và thực trạng mặt bằng chật hẹp, nên không thể có đủ nơi đậu xe máy và ô tô cá nhân. Người tiêu dùng có thói quen ngồi trên xe máy mua sắm hai bên đường cho nhanh chóng và tiện dụng, đã dẫn đến tình trạng mặt tiền đường nào cũng thành khu phố chợ và kích thích việc buôn bán chiếm dụng hè phố.

Đã có nhiều giải pháp tình thế được thực hiện để lập trật tự lòng lề đường, như kẻ vạch sơn trên vỉa hè phân định chỉ được đậu xe máy phía trong vạch sơn; cho phép đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí ở một số con đường ít xe lưu thông; cho lập bãi giữ xe trên vỉa hè ở những nơi thiếu mặt bằng giữ xe trầm trọng... Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời đối phó và có biểu hiện đã bị lạm dụng. Đến mức một số bệnh viện cũng tùy tiện hợp đồng với hãng taxi để cho lập bãi đậu taxi đón khách tràn lan gây ùn tắc trước cổng bệnh viện. Một số garage cũng tận dụng việc đóng phí đậu ô tô dưới lòng đường, biến lòng đường thành... garage sửa xe.

Điều 51 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Trong đô thị, khi xây dựng trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại - dịch vụ, văn hóa và khu dân cư, phải xây dựng đủ nơi đậu xe phù hợp với quy mô của công trình”, nhưng thực tế các cao ốc mới ngày càng cao, chung cư quy mô hàng ngàn căn hộ vẫn được mọc lên khi tầng hầm không đủ chỗ đậu xe. Nhiều nhà ở góc giao lộ vẫn được cấp phép mở trường dạy ngoại ngữ, làm trung tâm thương mại, làm ngân hàng... trong khi không có chỗ đậu xe, cũng được chính quyền địa phương cho đóng phí để trưng dụng vỉa hè làm bãi đậu xe.

Tổ chức bảo vệ vỉa hè và những kết cấu hạ tầng dành cho người đi bộ, tạo đủ điều kiện cho người đi bộ có thể đi bộ đúng quy định pháp luật giao thông đường bộ là việc đáng ra phải làm từ lâu và cần phải làm thật nghiêm túc, thường xuyên, nhằm nâng cao ý thức ở người dân và cả ở cán bộ chính quyền cơ sở. Trước hết, cần kiểm tra làm rõ ai, cơ quan hay tổ chức nào, nơi nào đang tự tiện cho thuê lòng đường và hè phố để vụ lợi, buộc phải chấm dứt ngay. Không thể chỉ mở một đợt cao điểm rồi “đánh trống bỏ dùi”, mà cần duy trì thường xuyên việc tuần tra, nhắc nhở, xử phạt để tạo thành nền nếp tuân thủ quy định pháp luật về trật tự lòng đường. Giải pháp cần thiết và quan trọng là rà soát chấn chỉnh ngưng ngay việc cấp phép xây dựng và cấp phép mở các điểm thương mại, trường học, dịch vụ ở nơi không đủ chỗ đậu xe.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục