UBND TPHCM vừa yêu cầu các quận huyện rà soát, chấm dứt hoạt động các bãi giữ xe trên vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đây là quyết định nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, để làm được nhiệm vụ này một cách căn cơ, nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM phải gắn việc lập lại trật tự vỉa hè với công tác quản lý đô thị. Cấm không cho giữ xe trên vỉa hè thì phải tạo điều kiện giữ xe ở nơi khác phù hợp hơn…
Nhu cầu gửi xe rất lớn
Với khoảng 8,1 triệu phương tiện giao thông (đăng ký ở TPHCM), nhu cầu lưu đậu, gửi xe ở TPHCM rất lớn. Đặc biệt ở khu vực trung tâm, nơi tập trung nhiều công sở, trụ sở doanh nghiệp, trung tâm thương mại, văn hóa…
Do vậy, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động các bãi giữ xe trên vỉa hè của UBND TPHCM tuy đúng đắn nhưng lại làm cho không ít người dân khó tìm được nơi gửi xe khi cần.
Cũng dễ hiểu bởi những dự án xây dựng bãi xe ngầm của thành phố vẫn “án binh bất động”, còn diện tích đất dành cho xây dựng bãi đậu xe trên mặt đất (theo quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020) gần như không còn bao nhiêu.
Bãi giữ xe trên vỉa hè đường Hải Triều, quận 1 (ảnh chụp ngày 17-1). Ảnh: THÀNH TRÍ
Hiện nơi giải quyết phần lớn nhu cầu giữ xe kể cả ô tô lẫn xe gắn máy 2 bánh, xe đạp của người dân đều trên vỉa hè và lòng đường. Ô tô thường đậu dưới lòng đường còn xe gắn máy 2 bánh đậu trên vỉa hè.
TPHCM đã kỳ vọng nhiều vào các dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng, thế nhưng các dự án này vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục đầu tư.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nếu không có gì thay đổi, trong quý 1-2018, hai bãi giữ xe ngầm trên mới khởi công, thời gian xây dựng khoảng 2 - 3 năm và khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu lưu đậu cho khoảng 4.000 ô tô và 5.000 xe gắn máy 2 bánh.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, ở trung tâm TP hiện chỉ có một số bãi giữ xe do lực lượng Thanh niên xung phong TP quản lý, được cấp phép hoạt động như ở Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23 Tháng 9, Tao Đàn, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, đường Hai Bà Trưng (sau Bưu điện TPHCM). Ngoài ra, cũng có một số bãi xe tư nhân được cấp phép trên đường Lê Duẩn (đối diện UBND quận 1), đường Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, sân khấu Sen Hồng (đường Phạm Ngũ Lão), Trường Tiểu học Hòa Bình (Công xã Paris)...
Bên cạnh đó, trong phạm vi bán kính 500m, tính từ trụ sở UBND TPHCM có 59 công trình cao tầng có 1 - 5 tầng hầm để xe. Trong đó, 13 công trình phức hợp có 3 - 5 tầng hầm đậu xe. Cụ thể, tòa nhà M Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center…
Tổng diện tích tầng hầm để xe ở khu vực này khoảng 205.549m2, 46 công trình cao tầng khác có tầng hầm đậu xe công suất nhỏ hơn trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… với tổng diện tích sàn để xe khoảng 265.617m2. Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà thì có thể dành khoảng 20% (94.233m2) diện tích để đáp ứng nhu cầu đậu xe công cộng, ước khoảng 1.323 ô tô và 2.749 xe máy.
Còn ở các quận huyện ven, ngoài các bãi giữ xe nằm trong khuôn viên công sở, trụ sở doanh nghiệp, trung tâm thương mại… hầu như không có bãi giữ xe nào không lấn chiếm lòng, lề đường.
Khuyến khích dân lập bãi giữ xe
Rõ ràng, đang có sự chênh lệch lớn giữa số lượng phương tiện giao thông với khả năng cung ứng chỗ đậu xe ở TPHCM, đặc biệt ở khu vực trung tâm.
Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân trong thời gian chờ xây dựng các bãi giữ xe ngầm, giải pháp cho vấn đề này được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất là khuyến khích người dân ở khu vực trung tâm lập bãi giữ xe. Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang nghiên cứu hoàn thiện đề xuất này.
Bãi giữ xe trên vỉa hè đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1 (ảnh chụp ngày 17-1). Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo nhiều chuyên gia, đây là giải pháp khả thi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất công cộng dành xây dựng bãi đậu ở khu trung tâm gần như không có. Hơn nữa, cách nay hơn 5 năm, TPHCM đã ban hành Quyết định 135 và sau đó là Quyết định 145 về Quy chế quản lý kiến trúc nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu cùng nhiều quyết định khác liên quan đến quy hoạch đô thị; trong đó cho phép khu vực trung tâm, tùy từng trường hợp cụ thể, công trình xây dựng có thể được tăng thêm 1 tầng để phục vụ nhu cầu lưu đậu xe.
Đây là bước chuẩn bị về hạ tầng khá tốt. Ngoài ra, việc này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông của TPHCM.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn người dân tham gia xây dựng bãi giữ xe, TP cần có khung pháp lý rõ ràng cho vấn đề này. Đầu tiên là các quy định về an toàn, đặc biệt là an toàn về cháy nổ. Về thuế, nếu trước mắt chưa có giải pháp hữu hiệu để thu thuế VAT thì có thể cho áp dụng hình thức thuế khoán.
Đặc biệt, sau khi vỉa hè đã thông thoáng, nên cho duy tu lại những nơi bị xuống cấp. Trồng thêm cây xanh, tạo bóng mát hấp dẫn người dân đi bộ để qua đó thu hút họ đi xe công cộng, dần hướng họ hạn chế sử dụng xe cá nhân. Phải làm được như vậy, việc giữ cho vỉa hè thông thoáng mới bền vững.
Chấm dứt giữ xe trên vỉa hè
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, nếu trông giữ xe có thu tiền thì UBND các quận huyện giao cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP tổ chức thực hiện. Mức giá dịch vụ trông giữ xe phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp doanh nghiệp đề xuất tự tổ chức trông giữ xe miễn phí thì UBND quận huyện căn cứ vào sự cần thiết, hiện trạng khu vực và các quy định liên quan để xem xét, cấp phép thực hiện có thời hạn.
UBND TPHCM yêu cầu các quận huyện rà soát, chấm dứt hoạt động các bãi giữ xe trên vỉa hè và ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ. Nếu sử dụng vỉa hè vào mục đích khác thì phải thật sự cần thiết, không làm ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị và phải được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh bị trục lợi.
Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ an toàn giao thông năm 2018 trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói rõ thêm, quan điểm của TP là không khuyến khích lập các bãi giữ xe ở vỉa hè. Chỉ khi nào có lễ hội lớn thì lập bãi giữ xe để phục vụ người dân tham gia lễ hội do Lực lượng Thanh niên xung phong giữ miễn phí hoặc thu phí với giá “hữu nghị”.
HÀ DỊU