17.000 công chức bỏ công ra tư
Ông Lê Huỳnh Long, cán bộ Công đoàn Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cho biết lương của 200 công chức thuộc ban rất thấp: tính bằng hệ số nhân với 1,3 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản thu nhập trên thì không còn gì nữa nên đời sống anh em gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, bà Đào Thị Huệ, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho biết trung tâm đang quản lý hơn 1.300 bệnh nhân, trong đó có gần 670 trường hợp tâm thần nặng, suy kiệt, HIV, lao.
Nhân viên chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ rất cực nhọc, lại làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, nên nhiều người làm được vài tháng thì xin nghỉ.
Năm 2017, trung tâm tuyển được 5 người nhưng lại có đến 9 người nghỉ việc. Bà Huệ phân tích, lương của nhân viên phục vụ tính luôn tất cả các khoản phụ cấp thì chỉ khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, hộ lý chỉ 3,7 triệu đồng/tháng. Mức này quá thấp, khiến họ không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ việc, trong khi việc tuyển người mới lại rất khó khăn.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 12. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đánh giá của UBND TPHCM, tiền lương tối thiểu trong khu vực hành chính, sự nghiệp hiện nay thấp và chậm điều chỉnh. Mức lương cơ sở của công chức từ tháng 7-2017 được nâng lên 1,3 triệu đồng/tháng, song vẫn không đủ cho chi phí trong cuộc sống, chưa phù hợp với giá trị sức lao động.
So với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất kinh doanh, lương của công chức thấp hơn khá nhiều. Mặc dù Nhà nước phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ, phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại nguy hiểm, nhưng mức này vẫn rất thấp. Chẳng hạn, phụ cấp công việc độc hại chỉ 130.000 - 520.000 đồng/người/tháng.
Chính vì những bất cập đã nêu, ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, nhận xét vấn nạn “chảy máu chất xám” trong khu vực hành chính, sự nghiệp xảy ra khá phổ biến. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong vòng 3 năm, cả nước có gần 17.000 người bỏ việc nhà nước, chuyển qua công việc khác. Trong số này, TPHCM “góp” trên 7.000 công chức.
Tăng lương để nâng trách nhiệm công chức
UBND TP cũng phân tích hệ thống thang lương, bảng lương hiện nay còn nặng về bằng cấp. Theo định kỳ 2 hoặc 3 năm công chức sẽ được nâng một bậc lương, thay vì căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ đảm trách.
Mặc khác, hệ số giãn cách giữa các bậc lương công chức thấp, làm tăng tính bình quân trong trả lương và giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức. Các mức lương trong hệ thống bảng lương công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người tài, lao động chuyên môn, kỹ thuật cao. Nó không có tác dụng kích thích công chức gắn bó làm việc, không thu hút được nhân tài.
UBND TP cũng khẳng định, ngoài thu nhập từ tiền lương, các cơ quan, đơn vị của TP đã vận dụng các quy định để bổ sung thu nhập từ ngân sách cho công chức, như tiền bồi dưỡng họp, tiền hỗ trợ ăn trưa...
Điều đáng nói, trong nhiều trường hợp, các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của công chức. Vì vậy, công chức vẫn cho là đãi ngộ của Nhà nước thấp nên không chú trọng vào công việc chính, mà dành nhiều thời gian cho các việc làm khác (trong giờ và ngoài giờ) để có thêm thu nhập.
Đánh giá chung, UBND TP cho rằng chính sách tiền lương ở khu vực hành chính chưa có hướng mở, phân cấp cho địa phương chủ động mở rộng quỹ tiền lương của công chức. Điều này không tạo điều kiện cho các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân/người cao hình thành cơ chế bổ sung quỹ tiền lương để nâng cao thu nhập cho công chức.
UBND TP kiến nghị điều chỉnh chế độ hưởng lương của công chức để thu hút nhân tài và nâng cao trách nhiệm của công chức. Theo đó, tiền lương tối thiểu của công chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc… để khuyến khích người trẻ phấn đấu và tạo được động lực để có chuyên gia giỏi.
Ở khu vực doanh nghiệp, chế định về tiền lương tối thiểu đã được luật hóa trong Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, hiện nay còn có sự khác biệt giữa tiền lương của doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp còn lại. Đối với người lao động, chính sách tiền lương tối thiểu của Nhà nước mang ý nghĩa lớn. Tuy vậy, UBND TP cho rằng cần xác định mức sống tối thiểu của người lao động để có mức lương tối thiểu sao cho hài hòa giữa lợi ích của người lao động và đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tích lũy, phát triển sản xuất. Ngoài ra, UBND TP đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng không mang lại lợi ích, ý nghĩa thực tế cho người lao động, do mỗi khi Chính phủ tăng lương tối thiểu thì giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách kiềm chế giá, giữ ổn định giá cả thị trường.