Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 14/14 kiến nghị. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã trả lời 781/781 kiến nghị. Trong đó: 662 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 35 kiến nghị đã giải quyết xong; 84 kiến nghị đang tiếp tục được xem xét, giải quyết.
“Chính phủ, bộ, ngành Trung ương nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình khái quát.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị.
Đơn cử, cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức, cơ chế, chính sách đối với giáo viên theo Nghị quyết số 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương căn cứ các quy định tại Thông tư số 16 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư liên tịch số 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 102, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT rà soát để sửa đổi các thông tư nêu trên cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền, thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2020. Đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các thông tư này. Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cũng chưa đề cập đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 102 để giải quyết vấn đề cử tri quan tâm, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của bộ trong giải quyết kiến nghị cử tri.
Việc phối hợp giữa một số bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản QPPL nên còn có quy định khác nhau, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Ví dụ cụ thể được ông Dương Thanh Bình nêu là các quy định của pháp luật về xác định thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh, để khắc phục sự phân biệt về chính sách, chế độ hưu trí, bảo đảm công bằng đối với người lao động.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được các bộ, ngành trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điển hình là Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Bộ NN-PTNT nêu rõ trong quý IV năm 2020 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, song đến nay, nghị định nêu trên vẫn chưa được ban hành và Bộ NN-PTNT lại trả lời sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định nêu trên vào quý IV năm 2021.
Đáng lưu ý, vẫn còn có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của Luật.
Cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh, theo quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại Thông tư số 33 của Bộ TN-MT chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Qua giám sát cho thấy, theo quy định của Luật Đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại Thông tư số 33 lại quy định việc chuyển mục đích sử dụng loại đất này không cần sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ cần đăng ký biến động.
Quy định nêu trên tại Thông tư số 33 là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Mặc dù Bộ TN-MT đã nghiêm túc tiếp thu kiến nghị của cử tri, ban hành Thông tư số 09, trong đó đã bãi bỏ quy định này nhưng Thông tư số 33 đã được triển khai thực hiện hơn 3 năm có thể dẫn đến bất cập trong công tác quản lý đất đai. Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ TN-MT tiếp tục rà soát kỹ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bảo đảm không trái quy định của Luật.
Nhận xét về việc giải quyết kiến nghị cử tri, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tuy các kiến nghị đều đã được trả lời, nhưng rất nhiều kiến nghị đang trong quá trình giải quyết mà chưa được dứt điểm.
Tiếp tục chương trình phiên họp, UBTVQH vừa cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về các vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận định, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với luật chưa được giải quyết dứt điểm; chưa ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật BHYT; quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chưa được ban hành đầy đủ; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh (KCB) và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
“Sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính”, bà Thúy Anh khái quát.
Về chỉ tiêu đến năm 2015, đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT, đáng ghi nhận là chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Năm 2020, 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được NSNN đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình (HGĐ) thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.
“Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo HGĐ”, bà Thúy Anh cảnh báo.
Về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lưu ý mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT...
Cho ý kiến về các báo cáo nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ báo cáo về việc chi trả cho bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền.
“UBTVQH tại phiên họp trước có thống nhất là chi phí chữa Covid-19 thì ngân sách trả, còn chữa bệnh nền thì quỹ BHYT trả. Nhưng theo báo cáo của nhiều bệnh viện lớn, tách riêng chi phí là rất khó khăn. Vậy có nên để ngân sách trả hết, hay để quỹ BHYT chia sẻ một tỷ lệ nhất định, 30% chẳng hạn?”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định băn khoăn.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, kể từ năm 2020, với sự tác động của dịch Covid-19; việc quản lý sử dụng quỹ BHYT có điểm khác biệt, các báo cáo cần làm rõ.
Ông Tùng cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh các quy định có liên quan để quỹ BHYT – vốn đang có kết dư khá lớn - chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền.