Thu hồi dự án mặt biển
Tháng 6-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi 28.000m2 đất và 10.000m2 mặt nước biển của khu resort Ana Mandara, nằm trải dài trên đường Trần Phú, sau nhiều năm hoạt động. Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ hàng rào, tạo không gian và mỹ quan cho bãi biển. Tỉnh Khánh Hòa giao cho chủ đầu tư resort hơn 29ha đất tại khu du lịch ở bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) để làm dự án mới… Tháng 7-2022, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn bản thu hồi hơn 21.000m2 đất bờ biển nằm ở phía Đông đường Trần Phú tại dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang tổ chức tiếp nhận, đề nghị doanh nghiệp ấn định thời gian giao mặt bằng. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, chính quyền thành phố sẽ cưỡng chế thu hồi theo quy định để giao cho TP Nha Trang đầu tư, xây công viên phục vụ người dân, du khách.
Hơn một năm qua, chính quyền TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thu hồi 28ha “đất vàng” ở bãi tắm Thùy Vân (khu vực Bãi Sau) từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo hồ sơ, năm 1996, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định 2576/QĐ-UB cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty Xây lắp) thuê gần 18ha đất (chưa tính phần diện tích bãi biển khoảng 10ha) ở khu vực Bãi Sau để kết hợp xây dựng dự án cơ sở hạ tầng bãi tắm Thùy Vân. Nhưng thực tế, sau khi được chính quyền ký hợp đồng cho thuê đất, từ năm 1997 đến năm 2005, Công ty Xây lắp đã chia nhỏ khu đất và cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại, xây dựng hàng loạt công trình tạm bợ không phép thiếu mỹ quan, “phân lô” manh mún khu đất để cát cứ làm hạn chế quyền tiếp cận biển của người dân và du khách.
Mở lối cho dân xuống biển
Bình Thuận là địa phương có chiều dài bờ biển tới 192km, có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng nhưng không gian biển cho cộng đồng khá khiêm tốn. Chỉ tính riêng tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né (TP Phan Thiết), hiện chỉ có 2 bãi tắm công cộng chính là Đồi Dương và bãi đá Ông Địa. Trong khi đó, hầu hết các resort tại khu vực biển Mũi Né (thuộc 2 phường Hàm Tiến và Mũi Né, TP Phan Thiết) đều nằm san sát nhau ở phía Đông, không chừa đường cho người dân và du khách xuống tắm biển. Hậu quả, người dân và du khách khi đến khu vực này có nhu cầu tắm biển, chỉ còn cách vào resort nghỉ dưỡng hoặc đi vòng rất xa mới có lối đi chung xuống biển.
Trước tình trạng các resort ở TP Phan Thiết “cát cứ” mặt tiền biển, “chiếm dụng” không gian bờ biển cộng đồng của người dân và du khách, UBND TP Phan Thiết nói riêng và UBND tỉnh Bình Thuận nói chung đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trước mắt xây dựng nhiều con đường chung dẫn xuống biển. Đại diện UBND TP Phan Thiết cho biết, được sự đồng ý của UBND tỉnh, đến nay dọc cung đường ven biển thuộc 2 phường Mũi Né và Hàm Tiến đã xây dựng được tổng cộng hơn 10 con đường đi thẳng ra biển. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách do các lối đi xuống biển còn cách nhau khá xa.
Tại TP Đà Nẵng, sau nhiều lần kiến nghị vì các khu resort, các dự án xây dựng chắn hết lối xuống biển, khu vực Ngũ Hành Sơn đã có những lối đi thuận lợi, phục vụ nhu cầu chính đáng của cộng đồng, không còn cảnh nhà cạnh biển nhưng phải đi vòng mới có thể xuống biển. Lối xuống biển giữa hai dự án Future Property Invest - The Nam Khang Resort Residences chỉ rộng 4m, sau điều chỉnh tăng lên 20,5m, lát gạch sạch sẽ, có chỗ nghỉ chân, ghế đá hướng nhìn ra biển, bãi để xe đạp, xe máy. Nối dài trên trục đường Hồ Xuân Hương, nằm giữa khu nghỉ dưỡng Premier Village và Pullman Danang Beach Resort (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cũng có lối xuống biển được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Lối xuống biển này có diện tích 6.680m2, trong đó đường đi bộ rộng 5,7m, phục vụ nhu cầu của cộng đồng.
Trước đây, hầu hết dự án nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng ngăn toàn bộ các lối xuống biển, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, thời gian qua, Đà Nẵng đã thu hồi lại một phần diện tích của các dự án để mở lối xuống biển cho dân, phục vụ công cộng. Hiện tuyến biển Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa có 5 lối xuống biển công cộng, gồm: lối đi bộ cuối đường Hồ Xuân Hương; lối đi bộ giữa khách sạn Furama và Ariyana; lối xuống biển Nam dự án Silver Shores; lối đi bộ phía Bắc dự án The Song và lối đi bộ giữa 2 dự án Future Property Invest và Nam Khang.
Cần quy hoạch không gian biển
Để lập lại trật tự không gian biển, năm 2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 528/QĐ phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân. Theo đó, phạm vi điều chỉnh từ đường Phan Chu Trinh đến đường Nguyễn An Ninh có chiều dài khoảng 3.200m đi qua các phường 2, 8 và phường Thắng Tam. Tổng diện tích dự án khoảng 77,9ha với tính chất là khu hỗn hợp du lịch, dịch vụ, thương mại, công viên công cộng và bãi biển. Khu ven biển sẽ tháo dỡ tường rào ngăn chia các dự án hiện hữu trước đây, bố trí các tuyến đi bộ kết nối dọc trục đường Thùy Vân với bãi biển và đồng thời xây dựng mới, cải tạo đồng bộ tuyến kè ven biển đến hết vị trí ranh giới khu quy hoạch…
Mới đây, TP Vũng Tàu tiếp tục thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch 1/500 trục đường Thùy Vân tập trung theo hướng biển với các công trình dịch vụ, khu chức năng phục vụ công cộng, gồm: không gian tự nhiên; không gian gia đình, không gian thanh thiếu niên, không gian về đêm, không gian lễ hội và không gian nghệ thuật và văn hóa…
Thể hiện quyết tâm thu hồi các dự án đang chắn tầm nhìn biển và trả lại mặt bằng phục vụ cộng đồng, ngày 27-7, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có kết luận đồng ý việc đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị đối với khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng theo định hướng phục vụ mục đích công cộng kết hợp với dịch vụ, nhưng ưu tiên phục vụ công cộng là chính. Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo rà soát toàn bộ các công trình, dự án của các nhà đầu tư đang hoạt động, khai thác ở khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng…
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 18 bungalow xây dựng trái phép ở bãi Cây Sao (xã Hàm Ninh), tạm dừng hoạt động lặn ngắm san hô ở phía Nam Đảo (quần đảo Nam An Thới), yêu cầu di dời một số du thuyền hoán cải từ sà lan đang neo đậu ở phía Nam đảo; sắp tới sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý, buộc tháo dỡ các bungalow đã mọc lên ở phía Bắc đảo. Để bảo tồn cảnh quan ven biển, tỉnh Kiên Giang đã khởi công xây dựng trục đường đi bộ ven biển dài gần 15km ở trung tâm Bãi Trường - bãi biển đẹp nhất Phú Quốc. Còn với các khu vực bãi biển đã có dự án đầu tư như bãi Ông Lang (xã Cửa Cạn), bãi Đất Đỏ (phường An Thới), bãi Bà Kèo (phường Dương Đông)…, tỉnh đã có quy hoạch trả lại không gian biển, nhưng chưa có kinh phí bồi thường cho doanh nghiệp. |
Ông NGUYỄN MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Hiện tại, UBND tỉnh đang thương thảo với một số dự án nằm ở mặt biển khi triển khai xây dựng cần chừa lối đi chung xuống biển. Thời gian tới, đối với những dự án tiếp giáp với bờ biển nếu được chấp thuận đầu tư thì phải có quy hoạch đường đi chung xuống biển, đồng thời dự án phải tuân thủ theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ông TRẦN ĐẠI NGHĨA, Phó Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và bãi biển TP Đà Nẵng: Từ khi TP Đà Nẵng có chủ trương mở lối xuống biển thì người dân và du khách có điều kiện tiếp cận mặt biển để vui chơi, giải trí dễ dàng hơn. Hiện ban quản lý phối hợp đơn vị tư vấn tiếp tục lập hồ sơ phương án lối xuống biển cho người khuyết tật với tổng cộng 24 lối trên các tuyến Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa. Ông HOÀNG XUÂN NGUYỄN, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu: Dự kiến, khu vực 28ha đất sau khi thu hồi sẽ được đưa ra đấu giá để thực hiện dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân. Toàn bộ các hoạt động vui chơi giải trí, kinh tế đêm như: quán bar, phố đi bộ, khu ẩm thực và các dịch vụ thương mại khác sẽ được tập trung về khu vực này để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đặc biệt, để tạo không gian biển thông thoáng, khu vực giới hạn chiều cao công trình không quá 2 tầng với mật độ xây dựng rất thấp chỉ 5% diện tích dự án. |