Mới có 4-5 trường “tự sống”
TPHCM có tổng số 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập. Vấn đề tự chủ đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay, mới có 4-5 trường “tự sống” được. Theo lộ trình, đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải đảm bảo tự chủ tài chính, không tiêu tiền ngân sách.
Nhiều hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp lo ngại: Nếu tự chủ, mức thu học phí không đủ để bù đắp cho suất chi đào tạo cho một học sinh. Toàn bộ nguồn thu phục vụ đào tạo ngay cả khi áp dụng mức tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ, cũng không thể đủ cân đối cho chi thường xuyên phục vụ đào tạo.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM phân tích: Các trường công lập được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, theo đó người đứng đầu trường là người được nhà nước cử để quản lý phần vốn, có trách nhiệm và tự chủ toàn bộ đối với phát triển hoạt động đào tạo sao cho bảo toàn và tăng thêm phần vốn.
"Sẽ không có gì để bàn cãi, tranh luận về vấn đề “tự chủ tài chính” nếu ngay từ đầu các trường công lập được hiểu đúng nghĩa như trên. Tuy nhiên, thực tế lâu nay các trường công lập không được vận hành theo đúng nghĩa vốn có này. Người đứng đầu của trường công không được toàn quyền xác định mức học phí, đầu tư, bộ máy, bổ nhiệm, cơ chế lương thưởng, thậm chí ngay cả chương trình đào tạo… mà nguồn thu phải được thực hiện theo quy định, thu nộp vào ngân sách rồi phải xin ý kiến và chờ cơ quan chủ quản phê duyệt", Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền nhận định.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, với “cơ chế bao cấp” này - một cơ chế đáng lẽ không nên có ngay từ đầu, nhưng vì nhiều lý do mà vẫn tồn tại - đã triệt tiêu tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu trường. Những năm gần đây, vấn đề tự chủ tài chính được đặt ra, được khuyến khích nhưng rất ít trường mạnh dạn đón nhận do tâm lý e ngại không tuyển sinh đủ để bù chi phí.
Tự chủ - bước đột pháLà một trường hiếm hoi ở TPHCM đã tự chủ hoàn toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho hay, trường có cam kết với học sinh tốt nghiệp được giới thiệu việc làm và cam kết với doanh nghiệp về chất lượng đào tạo. Đây là kết quả của việc thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
Tiến sĩ Bùi Văn Hưng thừa nhận, trước khi tự chủ, việc giảng dạy ở nhà trường không tư duy đến chuyện đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi thực hiện tự chủ hoàn toàn, đào tạo liên kết giữa trường và doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho học sinh tốt nghiệp là vấn đề sống còn của nhà trường. Nhờ đó, 80% học sinh của trường được các doanh nghiệp nhận ngay khi chưa tốt nghiệp hay vừa tốt nghiệp; phần còn lại tự tạo việc làm và rất hiếm người thất nghiệp.
Được tự chủ hoàn toàn trong tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm nên bộ máy Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II được sắp xếp lại, tiết kiệm được 50 nhân sự. Năng suất lao động ở từng vị trí làm việc tăng. Thu nhập của giáo viên cũng được trả theo năng lực, có người lương 3 triệu đồng, có người lương 30 triệu đồng; và trung bình mỗi người tăng 20% thu nhập so với trước khi tự chủ.
“Bản thân tôi là tiến sĩ, trước khi tự chủ, lương chỉ 7-8 triệu đồng/tháng, phải chân trong chân ngoài làm ăn mới đủ nuôi gia đình. Bây giờ trường tự chủ, tôi có thu nhập 19-20 triệu đồng/tháng, hoàn toàn yên tâm công tác”, Tiến sĩ Bùi Văn Hưng chia sẻ và gợi mở các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn TPHCM cứ mạnh dạn tự chủ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM đánh giá, tự chủ hoàn toàn đối với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II như một cuộc “lột xác”, rất là “đau” nhưng có ý nghĩa thực tiễn và quan trọng. Các trường khác có thể tham khảo sự thành công trên, mạnh dạn tự chủ để có bước đột phá.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền đề nghị, cần đặt ra lộ trình cụ thể hướng đến trao quyền tự chủ hoàn toàn cho trường. Các trường phải được tự chủ toàn bộ hoạt động đầu tư, huy động vốn, tính toán mức thu học phí, chi thường xuyên, quyết định bộ máy, tuyển dụng, bổ nhiệm, xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo… theo quy định của pháp luật mà không cần báo cáo, không cần xin phê duyệt ngân sách nhằm tăng tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm đối với người đứng đầu trường.
Đồng thời, theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, cần tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sở hữu công của các cơ quan chủ quản. Chức năng quản lý nhà nước là quản lý tính tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động đào tạo nghề bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề; chức năng sở hữu nhà nước cũng dừng lại ở việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn, không can dự vào công tác quản trị nội bộ của trường.