Đành rằng khí hậu đã có biến đổi, quy luật cũng khó lường hơn. Nhưng nhìn sâu hơn vào hiện trạng thì khí hậu chỉ là một phần nguyên nhân, mà nhân tai - sự xâm lấn rừng, tàn phá môi trường tự nhiên mới là gốc rễ.
Theo bản công bố hiện trạng rừng năm 2023 của Bộ NN-PTNT, diện tích rừng cả nước đang có là 14.860.309ha với tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt 42,02%. Trong đó, rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha và rừng trồng là hơn 4,7 triệu ha. Thống kê cho thấy diện tích rừng tự nhiên vẫn nhiều hơn rừng trồng, nhưng so với trước kia thì hiện nay giảm sút thấy rõ cả về diện tích rừng lẫn chất lượng rừng.
Ở miền núi phía Bắc, khoảng 20 năm nay, đi tới đâu cũng gặp những rừng keo được trồng làm gỗ nguyên liệu. Trong khi những loại cây rừng, bụi rậm có chức năng phòng hộ tốt lại bị đốt, dọn để trồng rừng sản xuất. Chính những người trồng rừng cũng thừa nhận, do rễ cây rậm không còn nên mạch đất mất liên kết, sau chu kỳ nắng nóng - hạn hán (El Nino) đến chu kỳ mưa lũ (La Nina), dẫn đến hiện tượng đồi núi đua nhau sạt lở, lũ ống xuất hiện liên tục, sức tàn phá ngày càng mạnh.
Đã đến lúc Bộ NN-PTNT phải xem xét lại việc nên cho trồng loại cây rừng nào, có nên cân bằng mục tiêu bảo vệ môi trường sống an toàn hay tiếp tục chạy theo bài toán kinh tế (xuất khẩu gỗ). Khôi phục lại rừng tự nhiên, thay vì tiếp tục mở rộng rừng sản xuất là vấn đề cần được đặt ra; việc thả nổi, khuyến khích trồng keo và tràm cần được xem xét lại.
Để đảm bảo rừng có tính bền vững, đa dạng sinh học và đúng nghĩa, cần một cơ chế phân bổ hợp lý về cơ cấu các loại rừng trồng. Thay vì chỉ tập trung vào các loại cây ngắn hạn như keo và tràm, cần thúc đẩy trồng các loại cây có chức năng phòng hộ với hệ sinh thái đa tầng. Nếu rừng không còn là rừng đúng nghĩa, chính sách không được sửa đổi kịp thời thì những vụ sạt lở, lũ quét kinh hoàng như ở Làng Nủ, Nậm Tông, Ca Thành… sẽ còn có nguy cơ tiếp diễn.