Trước đó, TAND dự kiến mở phiên tòa xét xử vụ án rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Công ty Alibaba vào sáng 12-8. Nhưng do vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên TAND TPHCM đã trả hồ sơ cho Viện KSND TPHCM để yêu cầu điều tra bổ sung, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị hại và làm rõ nhiều nội dung trong vụ án này.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp. Sau đó, Luyện giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên và tự "vẽ" ra 58 dự án không có thật (chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án) ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng.
Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử), Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Nhằm tạo lòng tin và thu hút khách hàng mua đất nền, Nguyễn Thái Luyện hứa hẹn với khách rằng sẽ mua lại đất nền với giá cao hơn. Theo lời cam kết của Luyện, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhuận “khủng”: 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng; trường hợp không muốn bán, khách hàng cho thuê lại thì sẽ hưởng lợi nhuận 2%/tháng.
Tuy nhiên, sau khi đóng đủ tiền, các khách hàng không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết. Biết bị lừa đảo, các bị hại đã đến Công an TPHCM nộp đơn tố cáo.