Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả
SGGPO
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 6 nội dung vụ cấp bằng tiếng Anh giả tại Trường Đại học Đông Đô, trong đó có yêu cầu làm rõ danh sách người được cấp bằng giả.
Theo quyết định trả hồ sơ, kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần và chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Hiện Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc nên Viện Kiểm sát yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác định rõ hành vi của các bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ.
Trước đó, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, thì Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh.
Tuy nhiên, từ năm 2015 - 2017, trường đại học này đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD-ĐT (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh. Từ năm 2017, Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Từ tháng 4-2017, Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô) chỉ đạo Phó Hiệu trưởng Trần Kim Oanh, Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo...
Sau khi in bằng, Dương Văn Hòa ký cấp phát cho các cá nhân.
Theo điều tra, nhà trường đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng hiện xác định được 217 trường hợp có thông tin. Trong số này, có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để được cấp bằng.