Du khách Việt tham quan chợ đêm ở Chiang Mai, Thái Lan
Tự do, tự lo…
Để cạnh tranh, nhiều công ty sẵn sàng cắt giảm điểm tham quan, chất lượng bữa ăn, tăng chương trình mua sắm… để giảm giá! Chẳng hạn, Công ty du lịch V. (văn phòng trên đường Nguyễn Siêu, quận 1, TPHCM) bán tour Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Yên Tử 4 ngày với giá khoảng 4 triệu đồng/người. Ngạc nhiên vì giá rẻ, người mua tới gặp nhân viên tư vấn thì nhận được thông tin, giá bán chưa bao gồm vé máy bay. Nếu trừ thời gian di chuyển, tính ra du khách chỉ được tham quan mỗi tỉnh, thành đúng 1 ngày.
Tương tự, Công ty S. (văn phòng trên đường Minh Phụng, quận 11, TPHCM) bán tour Singapore - Malaysia - Indonesia 6 ngày với giá hơn 9 triệu đồng, nhưng lịch trình dày đặc “ngày tự do mua sắm”, “tự túc”... Rõ ràng, giá này không rẻ cho một tour du lịch làng nhàng chỉ ăn và tự do dạo chơi.
Đại diện một số công ty du lịch uy tín ở TPHCM nói thẳng, nếu lướt qua lịch trình tour, du khách dễ bị cuốn hút bởi các chương trình hào nhoáng, hấp dẫn, nhưng “rỗng ruột”. Vì giá rẻ nên phần lớn lịch trình tour cho khách đi lòng vòng mua sắm, đến điểm tham quan phải tự túc mua vé vào cửa... Tình trạng “ém giá” (không nêu giá thật, chỉ khi nào khách hỏi mới trả lời) diễn ra phổ biến. Cũng có những đơn vị còn đẩy rủi ro cho khách khi đợi đặt dịch vụ vào giờ chót để cân chỉnh lượng khách. Có trường hợp khách bị “sang” lại cho công ty khác, mọi rủi ro khách tự chịu!
Ôm rủi ro
Gần 8 tháng trôi qua kể từ chuyến đi định mệnh vào cuối tháng 6-2017 với Công ty Du lịch Viettourist (văn phòng trên đường Lê Quốc Hưng, quận 4), bà Nguyễn Thị Thu Long, ngụ tại Khu dân cư Phú Hòa 1 (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vẫn chưa thể đi lại được do tai nạn nghiêm trọng ở chân phải: trật khớp xương đùi, đứt dây chằng gối, nứt bánh chè. Sau 2 lần mổ, cũng như đã tập vật lý trị liệu nhiều lần tốn khoảng 250 triệu đồng, nhưng bà vẫn chưa thể duỗi thẳng chân. Dự tính, tháng 4-2018 này bác sĩ chỉ định cho bà mổ lại lần thứ 3.
Nhắc lại câu chuyện, bà Long cho biết, do tình cờ đọc thông tin trên mạng nên bà đã đặt tour Singapore - Malaysia của Viettourist, với giá 10,8 triệu đồng. Sau khi đến Singapore thì bà bị tai nạn. Do sợ trách nhiệm, bên Viettourist liên tục thúc giục bà Long về nước với lập luận điều trị bên Singapore rất đắt đỏ, lên tới hàng chục ngàn đô la Singapore mỗi ngày.
“Ngay trong ngày, tôi phải đáp chuyến bay về nước dù vết thương đang đau đớn. Điều đáng buồn là Viettourist chỉ tới đưa tôi 10 triệu đồng rồi không hỏi thăm gì nữa. Sau đó, gia đình tôi yêu cầu Viettourist làm việc với bên bảo hiểm du lịch. Đại diện phía bảo hiểm nói rằng họ chỉ chịu trách nhiệm thanh toán phí nếu tôi đang điều trị tại Singapore”, bà Nguyễn Thị Thu Long bức xúc.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, phía Viettourist có ký hợp đồng bảo hiểm cho du khách với số tiền 200 triệu đồng/người. Thế nhưng, cả hướng dẫn viên và lãnh đạo công ty này hoàn toàn không đả động gì với bà Long khi ở bệnh viện tại Singapore. Ngược lại, tới khi bà về nước điều trị thì lại rũ bỏ trách nhiệm đền bù.
Một số du khách khác cũng có chung bức xúc về tour kém chất lượng của Viettourist. Cách đây ít ngày, bạn đọc Gia Linh (quận Gò Vấp, TPHCM) phản ánh việc mua tour Thái Lan 5 ngày (Bangkok - Pattaya - Ayutthaya) kém chất lượng dịp Tết Mậu Tuất 2018. Giá tour lên tới 11.888.000 đồng/người, không hề rẻ, nhưng hướng dẫn viên rất tệ, cắt giảm nhiều hoạt động, lại còn kê cao giá gấp nhiều lần so với báo giá ban đầu.
Chẳng hạn, Viettourist báo giá xem sexy show 50USD (khoảng 1 triệu đồng), nhưng tới Thái Lan du khách phải móc ví trả tới 5.000 baht (khoảng 3,5 triệu đồng); ăn buffet ở Nhà hàng xoay 86 tầng lên tới 3.000 baht (khoảng 2 triệu đồng) trong khi được báo giá chỉ 50USD. Các chi phí khác như tiền bồi dưỡng cho hướng dẫn viên, tài xế cũng ở mức cao ngất ngưởng. Trong lịch trình, khách mua sắm tự do sẽ có hướng dẫn viên đi kèm nhưng hướng dẫn viên lại yêu cầu đóng 1.000 baht (khoảng 700.000 đồng) mới đưa đi…. Khách có cảm giác bị trấn lột, móc túi không hơn không kém.
“Tưởng đi du lịch được vui chơi, thư giãn, ai ngờ rước cục tức vào người. Phản ánh với công ty, chúng tôi chỉ nhận được thái độ ậm ừ cho qua chuyện”, chị Gia Linh nói.
Đã tới lúc người tiêu dùng phải nói không, tẩy chay tour giá bèo, vì quá nhiều rủi ro, chất lượng phập phù. Riêng những công ty du lịch làm ăn chụp giựt kiểu như Viettourist, từng bị báo chí phản ánh nhiều lần trong những năm gần đây, cần được các đơn vị chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho du khách.
Cảnh giác tour giá rẻ
Trao đổi với Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác đối với những tour du lịch giá rẻ. Người tiêu dùng cần phản ánh ngay những công ty du lịch kém chất lượng, hoạt động chụp giựt đến Thanh tra Sở Du lịch TP, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh. Trước khi mua tour, khách nên tìm hiểu thật kỹ chương trình đã bao gồm những gì, ăn uống, ngủ nghỉ ở đâu, trị giá hợp đồng gói bảo hiểm cho khách...