Đặc biệt, khi có xác nhận hành khách nữ đó là một đại úy công an đang công tác tại Công an quận Đống Đa (Hà Nội) thì sự bất bình càng được đẩy lên gấp bội.
Rõ ràng, nhìn ở mọi góc độ đều không thể có lời bênh vực nào cho nhân vật chính trong clip này. Nhiều người thậm chí còn không muốn xem hết clip vì cảm thấy quá xấu hổ, kinh sợ với những lời lẽ tục tằn, nghiệt ngã mà bà Hiền đã tuôn ra với người đang thi hành công vụ tại sân bay. Thái độ hung hăng, côn đồ ở nơi công cộng như vậy là rất khó chấp nhận. Bất kỳ ai có hành vi như thế đương nhiên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và bị cộng đồng lên án.
Nhưng với một người dân bình thường hành vi ấy bị chỉ trích 1, thì với một cán bộ, công chức, đảng viên hành vi ấy bị chỉ trích 10, còn với một người trong ngành công an hành vi ấy sẽ bị chỉ trích 100. Bởi lẽ, công an là lực lượng thực thi pháp luật, đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội. Ngoài các quy định về ứng xử đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải nêu gương trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường để làm mẫu mực cho quần chúng, cán bộ ngành công an còn phải tuân thủ các quy định riêng tại Thông tư 27 về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Trong thông tư này nêu rõ, mỗi chiến sĩ, cán bộ trong ngành phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng; không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Hành vi của đại úy Lê Thị Hiền đã vi phạm nghiêm trọng các quy định, gây tổn hại đến danh dự, uy tín của ngành công an, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an trong mắt người dân. Hành vi này càng đáng lên án hơn khi cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác, thực hiện Di chúc của Bác vẫn đang được triển khai sâu rộng trong ngành.
Bà Lê Thị Hiền đã phải trả giá cho hành vi xấu của mình bằng sự lên án của toàn xã hội, bị ngành hàng không cấm bay trong vòng 1 năm, và cần phải được trả giá đích đáng hơn nữa bằng những hình thức kỷ luật của cơ quan quản lý. Mọi sự bao biện, đổ lỗi cho nhân viên hàng không của bà Hiền chỉ càng đẩy sự việc đi xa hơn, chứng tỏ bà Hiền vẫn chưa nhận thức được hành vi sai phạm của mình.
Vụ việc này cũng đặt ra một vấn đề về chất lượng cán bộ trong các cơ quan công quyền nói chung, của ngành công an nói riêng. Một chiến sĩ công an vốn được tuyển chọn, đào tạo rất kỹ càng cả trong nhà trường, cả trong đội ngũ. Họ không chỉ cần có những tố chất, phẩm chất tốt đẹp mà còn đòi hỏi phải tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, liên tục. Vậy vì sao một người như bà Hiền vẫn có thể tồn tại trong đội ngũ và thăng quân hàm đều đặn?
Phải chăng việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý cán bộ trong các đơn vị công an còn chưa thực sự chặt chẽ, nghiêm khắc như đòi hỏi bắt buộc đối với ngành. Để người dân phải đặt câu hỏi, một cán bộ công an có hành vi mạt sát thô bạo, chống đối lại người thi hành công vụ thì còn có tư cách nào để yêu cầu người dân tuân thủ các quy định về pháp luật? Đó mới là cái giá đắt cho công tác quản lý cán bộ của các cơ quan công quyền.