Nhóm hàng công nghiệp vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được mức tăng trưởng. Cụ thể, so với cùng kỳ, các sản phẩm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,07 tỷ USD, tăng 12,8%. Hàng dệt may ước đạt 3,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,1%, tăng 5,4%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 1,53 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,3%, tăng 4,9%.
Riêng hàng giày dép thuộc nhóm hàng công nghiệp nhưng có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8,2%, giảm 2% so cùng kỳ. Tương tự, với nhóm nông - lâm - thủy - hải sản có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 3,47 tỷ USD, giảm 0,3% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 16,6%. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Trong 8 tháng năm 2018, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh, làm giảm kim ngạch xuất khẩu như giá cà phê giảm 14,2%, làm kim ngạch giảm 3,1% so với cùng kỳ; giá cao su giảm 21,3%, khiến kim ngạch giảm 24,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số nhóm hàng hóa khác ước đạt 1,61 tỷ USD, giảm 0,6% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, dự báo trong quý 4-2018, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa đông có giá trị cao và phục vụ các dịp lễ, tết. Sự phục hồi của đồng USD cũng ảnh hưởng tích cực tới thương mại quốc tế, hàng hóa Việt Nam rẻ tương đối, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn phổ biến của tình hình xuất khẩu hiện nay là các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, khiến sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.