Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến… cùng đại diện Bộ KH-CN, Bộ TT-TT và các sở, ngành, quận, huyện, viện, trường và doanh nghiệp CNTT trên địa bàn TP.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Đây là hội thảo quan trọng lần đầu tiên của TP để làm rõ khái niệm vai trò, vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của TP, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“TP hy vọng từ những sáng kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp TP vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để TP có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM với tham luận “Phát triển AI 2020 – 2030: Tầm nhìn chiến lược” đã cho thấy các quốc gia trên thế giới đã chạy đua phát triển AI rất mạnh mẽ. Qua hội thảo này mong muốn đến 2030, TPHCM trở thành trung tâm dữ liệu khu vực Đông Nam Á. Để phát triển theo hướng này, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng, ngay bây giờ cần định hướng chiến lược, chỉ tiêu, hoạch định chính sách, hành lang pháp lý, hỗ trợ ngân sách; song song với mở rộng chế độ ưu đãi, mở kênh đối thoại, đầu tư vào giáo dục AI. PGS-TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG Còn với GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, qua tham luận “Một số ý kiến về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở TPHCM” cho thấy AI là khoa học nhằm làm cho máy hoạt động như có trí não thông minh của con người, tiêu biểu với các khả năng suy luận, hiểu ngôn ngữ, nhận thức, giải quyết vấn đề. Do đó muốn xây dựng AI, đề xuất TP cần xây dựng hạ tầng số vững chắc, gồm kỹ thuật (máy, mạng); dữ liệu (kết nối, chia sẻ), ứng dụng (bing data), pháp lý và nguồn nhân lực. Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG Qua tham luận “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển TPHCM” của PGS-TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM khẳng định AI có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI để bảo vệ an toàn thông tin, phát hiện mã độc, kiểm tra thông tin, Hỗ trợ giáo dục với AI và thực tại ảo/tăng cường… Đáng chú ý, người dân tham gia như sensor trong TP thông minh thay vì chỉ sử dụng các thiết bị/hệ thống chuyên dụng được tích hợp trong cơ sở hạ tầng, đây là cơ sở để xây dựng nguồn dữ liệu. |
Trước các ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp…, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cảm ơn sự góp ý chân tình và cho rằng đây là hội thảo đầu tiên để nhìn thực trạng AI tại TPHCM, sau này sẽ có những hội thảo chuyên sâu, đi vào các vấn đề cụ thể.
“TP đủ nguồn lực ưu tiên thúc đẩy chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.