Sáng 28-11, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cùng đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và các hộ nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn TPHCM.
Sản xuất nông nghiệp TPHCM cao gấp 5 lần cả nước
Ban Chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2010 - 2020, 5 huyện và 56 xã của TP cùng các tỉnh, thành cả nước thực hiện Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu: “Xây dựng NTM mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị khá lớn (thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2008 là 15,73 triệu đồng/người/năm chỉ bằng 55,5% thu nhập thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm). Từ đó, thu nhập người dân vùng nông thôn TP tăng hàng năm, năm 2019 đạt gần 63,1 triệu đồng/người (tăng 2,72 lần so với năm 2010).
Đến nay, 56 xã xây dựng NTM đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM. TP đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại khu vực nông thôn, duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài 1.233,6 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP đầu tư 445 công trình thủy lợi, với chiều dài 408 km, tổng vốn đầu tư 907,1 tỷ đồng, góp phần làm giảm nguy cơ xâm nhập mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. 100% hộ dân có điện sử dụng thường xuyên. Sửa chữa, xây mới thay thế và xây mới 190 trường học, kinh phí đầu tư 3.826,5 tỷ đồng. Tổng số trường công lập hiện có 277 trường, trong đó có 215/277 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 77,61%.
Trong lĩnh vực phát triển HTX, tính đến tháng 9-2019, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM có 76 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 45 HTX so với năm 2010, tăng 31 HTX so với năm 2015) với 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.
5 huyện, 56 xã đều xác định mô sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, huyện để tập trung phát triển, gồm: rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, heo thịt, thủy sản (lươn, cá thịt, tôm)… đều là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp với đặc thù nông nghiệp đô thị của TP.
Nông sản chủ lực của 56 xã đều được sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ dân, hoặc bản cam kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hộ dân với HTX, tổ hợp tác. Sản phẩm chủ lực của một số xã (tập trung trên địa bàn huyện Củ Chi), như sản phẩm sữa bò, bắp giống, cá kiểng được doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm được sản xuất ra (nếu đáp ứng được quy trình, tiêu chuẩn sản xuất do doanh nghiệp, HTX đưa ra).
Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp. Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện.
Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị thì đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%. TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo TP được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm.
Đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện. Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện: Năng suất lao động năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 so với năm 2008 đạt 206,1%.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 502 triệu đồng/ha/năm 2018 (cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT).
Phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị
Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra rằng, kết quả xây dựng NTM của TP chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP: Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý những vấn đề phát sinh của một số đơn vị sở, ngành, huyện, xã chưa đạt yêu cầu. Còn tình trạng chậm trễ trong tham gia ý kiến; công tác phối hợp thiếu sự chủ động; tính sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa nhiều. Còn có đơn vị trách nhiệm chưa cao trong tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện nông thôn mới; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình.
Để thực hiện được mục tiêu này, TP tiếp tục quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2025. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân rộng.
Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực, thực hiện lồng ghép, huy động tối đa nguồn lực địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Tiếp tục huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện. Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng nông thôn đảm bảo đồng bộ, kết nối phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó, chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các khu du lịch, tuyến điểm dừng chân…
Triển khai và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển các nhóm chủ lực; các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Cần giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập cho người dân Chương trình xây dựng nông thôn mới tại TPHCM đã khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh của từng người dân nên đã tạo được những kết quả rất đáng trân trọng. Trong 10 năm qua, phần vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt tới 73.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách chiếm 19%, vốn xã hội là 81%. Người nông dân cũng có đóng góp rất lớn, nhất là trong hiến đất làm đường, đây là điều rất quý giá. Bên cạnh đó, các chỉ số đạt được cũng rất ấn tượng, TPHCM không còn người nghèo theo chuẩn quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha của TPHCM cao gấp 5 lần mức trung bình cả nước. Thu nhập của cư dân nông thôn từ 24,9 triệu đồng/người/năm nay đã tăng lên 90 triệu đồng/người/năm. Phương thức sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể, từ 31 HTX nay đã tăng lên 76 HTX, gấp 2,5 lần. Tuy nhiên, vẫn còn một số kết quả chưa thể hài lòng. Chẳng hạn như toàn TP chỉ có 1.370 hộ tham gia HTX, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập người dân nông thôn mới chỉ bằng 1/3 so với thành thị, cũng đồng nghĩa mức sống của họ mới chỉ bằng 1/3 so với người dân thành thị. Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương cần triển khai tốt hơn nữa chương trình nông thôn mới, tập trung vào các tiêu chí về giao thông, giáo dục, trường lớp, cơ sở vật chất, tỉ lệ học sinh, môi trường và an toàn thực phẩm. Phấn đấu ngay trong năm 2020, toàn TP phải có 56/56 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điều quan trọng là phải giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập, làm cho đời sống nông dân tốt hơn theo hướng phát triển làm ăn theo HTX nhằm chủ động về cây con giống, đầu ra sản phẩm, gắn ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động. Chỉ khi nào chúng ta tăng được năng suất lao động, làm cho người dân giàu lên từ sản xuất nông nghiệp thì mới có thể phát triển bền vững. Trên thực tế, cả nước sẽ còn thực hiện chương trình nông thôn mới trong thời gian dài, riêng TPHCM chúng ta phải đi từ nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp cao. |
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 1. Về xây dựng nông thôn mới Cấp huyện: có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp xã: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. 2. Về nông nghiệp Phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 6%/năm. Giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 900 - 1.000 triệu/ha/năm. 3. Về nông dân Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng/người/năm (gấp trên 1,8 lần so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp tối thiểu đạt 20% trên tổng số hộ nông dân trên địa bàn Thành phố. 80% HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp xếp loại từ khá trở lên. Vận động 100% hộ hội viên nông dân đang sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |