Ngày 13-8, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sơ kết phong trào thi đua 200 ngày (giai đoạn 2, từ ngày 1-5 đến ngày 30-7), chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM…
Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, sở ngành TP khi trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra vẫn giữ được khí thế thi đua, đạt những kết quả rất cụ thể, nhiều nội dung hoàn thành vượt chỉ tiêu.
Đợt thi đua thứ hai kéo dài 93 ngày (từ 1-5 đến 30-7), là đợt dài nhất trong ba đợt thi đua; TP đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bước vào đợt chống dịch lần thứ 2, đến nay cả 10 nội dung thi đua đều có tiến bộ.
Tới đây, đợt thi đua thứ ba kéo dài đến 23-9, TP sẽ tiếp tục phòng dịch ở giai đoạn 2, phấn đấu giữ cho TP được an toàn; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các quận huyện trong tháng 8-2020.
Về kết quả thi đua đợt 2, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Đợt này, các quận huyện đã tổ chức thêm hơn 2.000 cuộc đối thoại, vận động hơn 700.000 hộ dân cam kết bảo vệ môi trường. Có 229 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn sạch, không xả rác ra đường, kênh rạch đạt 71%, vượt chỉ tiêu đề ra (70%). Bên cạnh đó, TP đã khắc phục 95% điểm đen về rác, hiện chỉ còn 39 điểm.
Trong việc triển khai đô thị thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao 21/24 quận huyện đã hoàn thành đấu thầu số hóa dữ liệu. Tại trung tâm điều hành TP, từ 1.000 camera kết nối ở thời điểm cuối tháng 4, đến nay đã có 1.500 camera quan sát, theo đồng chí là kết quả rất đáng quý.
Trong khi đó, một trụ cột khác của đô thị thông minh TPHCM là Trung tâm dự báo và Mô phỏng phát triển kinh tế xã hội, vừa qua đã làm tốt việc dự báo dòng tiền thu chi ngân sách của TP 10 năm tới để phục vụ cho đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM. Từ mô phỏng của Trung tâm này đã cho thấy sức mạnh kinh tế của TPHCM, khi một đồng vốn ngân sách bỏ ra có thể thu về 5,1 đồng, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước là 1,85 đồng.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ vui mừng với kết quả từ Dự án đường sắt đô thị số 1, số 2. Với dự án chống ngập, đồng chí đề nghị huyện Nhà Bè – địa phương duy nhất chưa bàn giao hết mặt bằng cho chủ đầu tư – phải quyết liệt thực hiện, bởi dự án chống ngập này rất có ý nghĩa với hơn 10 triệu dân TP.
Đồng chí hoan nghênh các sở ngành, đã hoàn thành được 25 chương trình thành phần trong tổng số 52 chương trình phục vụ Đại hội Đảng bộ TP tới đây. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong bối cảnh khó khăn nhưng TP đã giữ được không khí thi đua, thể hiện tinh thần vượt khó sáng tạo của đảng bộ và nhân dân TP.
Về thực hiện Chỉ thị 23, hiện đã giảm được 75% số vụ vi phạm so với cùng kỳ, đồng chí đề nghị nên đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối tháng 9 đạt 80-85% (theo chỉ tiêu đợt thi đua thứ 3 là đạt 75% vào ngày 23-9).
Một nội dung sắp tới được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, là vấn đề phòng chống dịch Covid-19. Hiện cả nước có 457 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện, cao hơn gấp đôi so với đỉnh điểm trong làn sóng thứ nhất vừa qua là 178 người điều trị. Xét trên tổng số dân, thì hiện Việt Nam có 4,7 người nhiễm trên 1 triệu dân. Con số này nếu lên tới 10 người thì một đất nước sẽ được xác định là có dịch.
Hiện cả nước có hai địa phương đang chống dịch hết sức vất vả là Đà Nẵng và Quảng Nam, với 353 người đang điều trị (tính ra có 125 người nhiễm trên 1 triệu dân, cao gấp 12 lần mức để xác định là “có dịch”). Theo đồng chí, TPHCM một mặt chia sẻ, hỗ trợ với các địa phương nói trên, một mặt phải quyết liệt chống dịch. Hiện TP có 10 người đang điều trị, so với tổng số dân là không nhiều, nhưng không được chủ quan, không để vượt mức đỉnh cũ là 42 người ở thời điểm ngày 28-3.
Trong bối cảnh dịch bệnh, 7 tháng qua TPHCM đã có hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 11% cùng kỳ; hơn 8.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 40% cùng kỳ. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP sơ kết việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ vừa qua, nếu cần thiết phải trình HĐND TP thông qua Nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giữ cho doanh nghiệp không phá sản nhiều. Bởi dự báo tình hình từ nay đến cuối năm còn khó khăn hơn nữa, thế giới dự báo đến cuối năm sau mới tương đối ổn. Đồng chí cũng đề nghị tiến hành cuộc “điều tra bỏ túi”, xem các giải pháp hỗ trợ vừa qua đã giúp ích cho doanh nghiệp được tới đâu và doanh nghiệp cần hỗ trợ gì thêm. Đây là việc làm cấp bách, nhiều nước đã triển khai gói hỗ trợ thứ 2-3 trong khi Việt Nam mới chỉ có một gói hỗ trợ.
Về công tác tổ chức đại hội Đảng, theo kế hoạch, hết tháng 8 tất cả 24 quận huyện và 35/39 đảng bộ trực thuộc tổ chức xong đại hội. Bốn đơn vị còn lại sẽ tổ chức trong tháng 9.
Càng khó khăn, càng phải thi đua
Buổi sơ kết được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TPHCM tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Hiện nay, TPHCM chưa phát hiện các ca lây lan trong cộng đồng, không có trường hợp tử vong, không có nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo. Phát biểu tại buổi sơ kết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc duy trì con số “không có trường hợp tử vong” trở nên cực kỳ quan trọng đối với công tác phòng chống dịch của TP hơn 10 triệu dân. Thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh mang đến thông điệp rất lớn: chúng ta có lòng tin, có quyết tâm và sự đồng lòng thì nhất định sẽ thắng lợi.
Trong bối cảnh đó, để vực dậy kinh tế TPHCM trong trạng thái bình thường mới, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM chú trọng công tác thi đua, đẩy mạnh đợt 2 thi đua, làm cho phong trào thi đua thật sự thấm sâu vào từng đơn vị, từng con người cụ thể.
Hoạt động thi đua không chỉ dừng lại ở việc phát động mà tạo nên sức sống và sự lan tỏa trong nhân dân. Trong đợt 2, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới trong công tác thi đua và tham gia tích cực hơn với 148/178 đơn vị phát động thi đua, có 123/159 công trình, dự án đăng ký thi đua hoàn thành đúng tiến độ (đạt 77,4%).
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhắc nhở một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến thi đua. Thực tế, phong trào thi đua 200 ngày đã qua 2/3 chặng đường nhưng vẫn còn 30 đơn vị chưa phát động thi đua. Đến nay, cũng chưa có tiêu chí thi đua cụ thể của từng nội dung để có cơ sở xét, khen thưởng sau mỗi đợt thi đua. Ngoài ra, còn 36 công trình, dự án chưa hoàn thành đúng thời gian đăng ký thi đua đợt 2.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý, tình hình dịch Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp và nhiệm vụ của TPHCM không chỉ là khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà còn có mục tiêu quan trọng là giữ vững phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội. Do đó, để đạt kết quả cao nhất thì phong trào thi đua cần phải đổi mới hơn nữa. Đồng chí nhấn mạnh: “Càng khó khăn thì càng phải quyết tâm hơn nữa, thi đua mạnh mẽ hơn nữa, phải xem đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phong trào thi đua 200 ngày phải là hạt nhân để lan tỏa sâu rộng tinh thần thi đua đến các cấp, các ngành”.
Với các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải xây dựng sơ đồ Gant để hoàn thành 10 nhiệm vụ thi đua trước ngày 23-9. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và nỗ lực để hoàn thành toàn bộ các công trình, dự án đã đăng ký. Các sở, ngành, quận, huyện phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN-4 và hỗ trợ nhanh nhất về giải ngân, phê duyệt thiết kế, bản vẽ… đối với công trình, dự án đăng ký thi đua. Trong đợt 3 thi đua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động và người dân TPHCM nỗ lực hơn nữa, tăng tốc hơn nữa và làm tốt hơn nữa để hoàn thành tốt 10 nhiệm vụ thi đua đã đặt ra. Đồng chí tin tưởng, với truyền thống năng động sáng tạo, kết quả của đợt 3 sắp tới và cả 3 đợt của phong trào thi đua 200 ngày không chỉ dừng lại ở 10 nhiệm vụ đã phát động mà còn tiến xa, thấm sâu và lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của TPHCM.
Nhiều dấu ấn tiêu biểu
Trước đó, tóm tắt kết quả thi đua đợt 2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, đến ngày 30-7, có 123 công trình, dự án trong tổng số 159 công trình, dự án đăng ký thi đua trong đợt 2 đã hoàn thành đúng tiến độ thời gian đăng ký (tỷ lệ 77%). Nhiều công trình, dự án tiêu biểu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TPHCM.
Trong thực hiện Chỉ thị số 23, đến ngày 15-7, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 451 công trình, bình quân là 2,1 vụ vi phạm/ngày. Như vậy, số vụ vi phạm đã giảm 6,4 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 75%, vượt chỉ tiêu thi đua đợt 2 là giảm 65%) so với 6 tháng đầu năm 2019. Đặc biệt có 3 quận, huyện giảm mạnh vi phạm xây dựng không phép, sai phép là quận 12 (giảm 83%), quận Thủ Đức (giảm 75%) và quận 9 giảm 74%.
Về nội dung thi đua đẩy mạnh triển khai dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tổng khối lượng thực hiện toàn dự án lũy kế đạt 74,5% và phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch đề ra. Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường cho 436/602 trường hợp (đạt 72%). Đặc biệt, ngày 15-7, ngành Y tế TPHCM đã áp dụng kỹ thuật cao phẫu thuật thành công tách dính ca song sinh phức tạp Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Nhiều nội dung thi đua ở các lĩnh vực khác đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Trao đổi về kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU trên địa bàn huyện Hóc Môn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thanh Hòa cho biết, đến ngày 30-7, huyện có 82/87 (tỷ lệ 94%) khu phố - ấp được công nhận “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”. Toàn bộ 12/12 (tỷ lệ 100%) xã - thị trấn đạt tiêu chí “Xã không xả rác ra đường và kênh rạch”, vượt chỉ tiêu đợt 2 (chỉ tiêu là 70% xã – thị trấn).
Là địa phương đã giảm mạnh vi phạm xây dựng không phép, sai phép, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho hay, quận đã phổ biến các quy định, triển khai “Sổ tay hướng dẫn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TPHCM”, “Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự đầu tư xây dựng nhà ở mới cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TP” đến toàn thể các hộ dân, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính về đất đai, quy hoạch xây dựng; ứng dụng phần mềm để tiếp nhận ý kiến người dân; đăng tải, niêm yết công khai toàn bộ giấy phép xây dựng được cấp trên địa bàn để cơ quan chức năng và người dân giám sát… Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, quận ghi nhận 35 công trình vi phạm về trật tự xây dựng, bình quân phát sinh 0,19 công trình/ngày, giảm gần 83% so với cùng kỳ (giảm 0,77 công trình/ngày).
Ông NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Y tế TPHCM có thể thực hiện kỹ thuật chuyên sâu tầm cỡ thế giới Ngành y tế TPHCM đã chủ động, tích cực khẩn trương ứng phó với dịch Covid-19. Song song đó, công tác khám chữa bệnh cũng được các bệnh viện quan tâm, chú trọng. Thành công trong ca phẫu thuật tách 2 bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi vừa qua một lần nữa khẳng định năng lực đội ngũ cán bộ y tế TPHCM hoàn toàn có thể thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu tầm cỡ thế giới. Ngành y tế cũng chuẩn bị vận hành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9 với quy mô 1.000 giường. Bên cạnh đó, triển khai Đề án Y tế thông minh, ngành y tế triển khai phần mềm ứng dụng “Y tế trực tuyến” và “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến”. Qua đó, Thanh tra Sở đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân, phối hợp với các đơn vị chức năng nhanh chóng xử lý, phản hồi, được người dân đánh giá cao. Ông NGUYỄN HOÀNG ANH DŨNG, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM: Tháng 9-2020, dự kiến hoàn thành lắp đặt các cửa van ngăn triều Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khu vực TPHCM giai đoạn 2 là công trình quan trọng đặc biệt, lần đầu tiên được xây dựng tại TPHCM. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, với mục tiêu chính là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TPHCM. Sau 4 năm thực hiện, đến nay các hạng mục đã đạt hơn 80% tiến độ, dự kiến đến tháng 9-2020 sẽ hoàn thành công tác lắp đặt các cửa van để cơ bản đảm bảo công tác ngăn triều. Hiện dự án chỉ còn vướng mặt bằng tại một số vị trí trên địa bàn huyện Nhà Bè. Còn các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh đã bàn giao đủ mặt bằng cho nhà đầu tư. |