Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở để các đại biểu tập trung thảo luận về sự phát triển nhận thức về sự phát triển văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Trong đó, nhận thức mới về sự phát triển văn hóa, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề về văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam. Cùng với đó, tập trung đánh giá về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá về lý luận cơ bản...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng gợi mở các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam tại TPHCM. Cùng với đó, tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tổng kết đánh giá phải có trọng tâm trọng điểm, bảo đảm tính khoa học, không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, bảo đảm khách quan, nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Đồng thời, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bảo đảm dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân, khơi dậy và lan tỏa ý chí khát vọng của Đảng, của nhân dân về xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Báo cáo tổng kết 40 năm về văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam tại TPHCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải khẳng định sự phát triển nhận thức của Thành ủy TPHCM về xây dựng, phát triển văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam tại TPHCM. Cùng với đó, đồng chí báo cáo về thực trạng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa – xã hội và xây dựng con người Việt Nam tại TPHCM.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm là “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác”.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đón nhận với tâm thế quyết tâm thực hiện tốt các cơ chế được phân cấp, ủy quyền, góp phần đẩy mạnh sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố trong thời kỳ mới.
Trong suốt quá trình 40 năm thực hiện công cuộc “đổi mới”, văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM từ năm 1986 đến nay cho thấy nội dung, phương thức lãnh đạo của Thành ủy TPHCM về xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người thành phố luôn chú trọng giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa của các thế giới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc “đổi mới”, đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố, TPHCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội.
Trong đó, phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo các tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được phát huy. Hoạt động văn hoá, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng.
Công tác chăm lo cho các diện chính sách có công, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là những trường hợp gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở thực hiện thường xuyên, liên tục, huy động nhiều nguồn lực xã hội chăm lo đến từng cá nhân, hộ gia đình.
Cùng với sự phát triển, vẫn luôn giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị văn hóa gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam, chính những nhân tố đó đã tạo nên văn hóa, con người TPHCM “Đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách”.
Từ đó, góp phần tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của TPHCM là địa phương đi đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.