Điểm nhấn nổi bật nhất là tăng trưởng GRDP của thành phố ước đạt khoảng 7,17%; thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng (ước đạt 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023), đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước và nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, ghi dấu ấn mới. Năm 2025, TPHCM mạnh mẽ đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kiến tạo động lực mới để tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, tích lũy đủ thế và lực cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Phân cấp, phân quyền triệt để
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII), đề cập phương hướng, giải pháp chiến lược trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; khuyến khích tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các địa phương.
TPHCM đã xác định đây là một quyết sách mang tính đột phá để phát triển thành phố. Đối với thành phố, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh sẽ giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện, TP Thủ Đức; tăng tính chủ động, cải cách hành chính cho cấp cơ sở.
Có thể nói, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương như TPHCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết riêng về thành phố; Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Đó là Nghị quyết số 01- NQ/TW ngày 14-9-1982 “về công tác của TPHCM”; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18-11-2002 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010”; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020”; Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó TPHCM là hạt nhân, điểm nhấn, đầu tàu phát triển.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 với nhiều nội dung mới, với những cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo cơ hội mới để thành phố bứt phá. Đồng thời đưa ra những cơ chế mới xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và từ nhiệm vụ chính trị, kinh tế và chiến lược phát triển của thành phố…
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội với quyết tâm phân cấp, phân quyền, tạo những điều kiện tốt nhất giúp cho TPHCM tiếp tục vươn lên, mạnh mẽ, xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa với tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”. Đây thật sự là niềm vui lớn và cũng là trọng trách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.
Từ các nghị quyết phân cấp, trao quyền cho TPHCM, thành phố cũng đã triệt để phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để tăng cường sự chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và chất lượng phục vụ nhân dân.
Chỉ tính riêng việc triển khai Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TPHCM thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP ban hành mới đây, thành phố đã triển khai rất quyết liệt phân cấp cho cơ sở, qua đó đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ cho các các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Khi phân cấp, phân quyền, ủy quyền, TPHCM cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, sửa đổi quy chế làm việc và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, động viên cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời phân công trách nhiệm, xác định các nội dung công việc trọng tâm và thời gian hoàn thành cho từng sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để khẩn trương thực hiện, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ, kết quả thực hiện.
Đặc biệt mới đây nhất, kỳ họp lần thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã thông qua Đề án Phân cấp quản lý nhà nước của UBND TPHCM trên địa bàn TPHCM. Theo đó, UBND thành phố đề xuất phân cấp 18 lĩnh vực cho 2 sở và các địa phương và đã được HĐND TPHCM thông qua, giúp giảm khâu trung gian trong quá trình tham mưu thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương.
Đề án phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa UBND TPHCM với các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện. Đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; khai thác hiệu quả và phát huy nguồn lực của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đề án thể hiện cách tiếp cận với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố. Việc phân cấp, ủy quyền gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian, thực hiện các quy trình thủ tục. Qua đó, giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp…
Tiếp tục đột phá, kiến tạo trong đổi mới
Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu, nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Để thực hiện mục tiêu chung đó, đòi hỏi TPHCM cũng phải tiếp tục phát huy cho được vai trò dẫn dắt, sứ mệnh kiến tạo, khẳng định vị thế trên con đường hội nhập để cùng cả nước vươn mình trong Kỷ nguyên mới.
Tại sao phải là TPHCM?
Có thể nói, ở mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, nhất là trong công cuộc đổi mới của đất nước, TPHCM luôn giữ vai trò đầu tàu. Cùng với đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thành phố đã đi đầu cả nước với mô hình hay, cách làm mới, đột phá, sáng tạo để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên những đột phá về phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Với việc “xé rào” cung ứng gạo cho người dân thành phố và các kế hoạch kinh tế táo bạo, sức sản xuất của thành phố được bung ra, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt... Từ thực tiễn sinh động đó mà tháng 8-1979, Hội nghị Trung ương 6 khóa IV đã ban hành nghị quyết với những chủ trương và biện pháp cấp bách, mạnh mẽ, quyết tâm làm cho kinh tế bung ra. Đó là “bước đột phá đầu tiên” đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo đời sống nhân dân…
Chính từ bài học thực tiễn trong phát triển kinh tế của TPHCM đã giúp các địa phương khác trên cả nước thời điểm đó có những phương án đổi mới và là tiền đề cho Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12 -1986).
Khách quan nhận định, một trong bốn bài học lúc đó mà chúng ta nêu ra tại Đại hội VI là bám sát thực tiễn, lấy cơ sở từ hiện thực khách quan, thì cơ sở khách quan và thực tiễn đó chính là từ thực tiễn của TPHCM. Trong quá trình hình thành đổi mới từ năm 1986 không thể thiếu vai trò xung phong, dẫn dắt của TPHCM.
Sau gần 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TPHCM đã luôn đứng đầu về phát triển kinh tế với tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, chiếm gần 1/3 thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước… Thậm chí, năm 2020, khi nền kinh tế của thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về thu ngân sách…
"Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta luôn khẳng định TPHCM là địa bàn chiến lược rất quan trọng, là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước"
Tổng Bí thư TÔ LÂM
(Phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM ngày 17-8-2024)
Phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quán triệt sâu sắc quan điểm, gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, TPHCM tiếp tục kiên trì vai trò tiên phong, mở đường trong thời đại công nghiệp 4.0. Đó là việc xây dựng nền kinh tế tri thức, xây dựng một thành phố thông minh cùng khát vọng đi đầu trong đổi mới sáng tạo; một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Đó là đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị. Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển, trong đó, hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; quy hoạch sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, trong đó, chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ… và một số lĩnh vực kinh tế đặc thù: kinh tế đô thị, kinh tế biển... để thành phố là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; là trung tâm cung ứng dịch vụ logistics; là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Điểm lại những thành tựu từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, chúng ta thấy rõ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã có những bước đi đột phá, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, giữ vững tầm vóc, phát huy vị thế, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Với niềm phấn khởi, tự hào, với quyết tâm chính trị cao và tinh thần nỗ lực, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng trong thời gian tới, với vai trò là đô thị đặc biệt, TPHCM sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, thực sự là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; một trung tâm lớn về nhiều mặt của đất nước, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố Anh hùng, Thành đồng của Tổ quốc.