Khoảng 20 giờ 30, một người đàn ông chạy xe máy qua ngã tư Hàng Xanh có dấu hiệu loạng choạng nên CSGT ra hiệu dừng để kiểm tra. Khi bị dừng xe, người đàn ông không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Cán bộ CSGT tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn ở ngã tư Hàng Xanh. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Người đàn ông nói rằng GPLX, giấy đăng ký xe bị CSGT ở khu vực giữ và hiện tại không có giấy tờ gì. Lực lượng CSGT đã giải thích và yêu cầu ông này đo nồng độ cồn nhưng người này vẫn không chấp hành. Một lúc sau, người đàn ông nói là đã uống rượu bia và “xin” lực lượng CSGT bỏ qua lỗi này nhưng không được đồng ý.
Người đàn ông không chịu đo nồng độ cồn mà đập” xe rồi bỏ đi. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Bất ngờ, người đàn ông lớn tiếng chửi bới và “đập” xe mình ngã xuống đường. Tiếp đó, người này dùng 1 cây bút thử điện rạch xe mình nhưng CSGT can ngăn. Người đàn ông tiếp tục chửi bới rồi đi bộ qua đường, bỏ lại xe máy hứa ngày mai kiếm CSGT “nói chuyện”.
Chiếc xe máy của người đàn ông được CSGT lập biên bản tạm giữ. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Trong 3 giờ đồng hồ, phóng viên Báo SGGP ghi nhận lực lượng CSGT kiểm tra với nhiều người điều khiển xe có dấu hiệu nghi. Với trường hợp kiểm tra không vi phạm nồng độ cồn, CSGT đều mời tiếp tục hành trình.
Khoảng 21 giờ 30, CSGT phát hiện ông T.T.N. (sinh năm 1986, ngụ TP Thủ Đức) điều khiển xe máy chở theo bạn đi từ hướng Điện Biên Phủ về TP Thủ Đức có dấu hiệu say xỉn nên dừng lại. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện nồng độ của ông N. là 0,122 mg/lít khí thở.
Ông N. được CSGT đo nồng độ cồn. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Ông N. cho biết, “tôi cùng bạn sau tan làm được nhóm bạn rủ đi “lai rai” và chỉ uống 2 lon bia. Do còn tỉnh, tôi chở bạn đồng nghiệp về nhà thì bị CSGT kiểm tra phát hiện. Bình thường tôi đi nhậu là đi xe ôm hoặc taxi…”.
Kết quả đo nồng độ cồn với ông N.. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Quá trình ông N. làm việc với CSGT, người bạn của ông này gọi điện cho 1 người “lạ”. Sau đó, người này đưa điện thoại cho CSGT nói chuyện với người “lạ” để “xin” nhưng không được. Với lỗi vi phạm trên, ông N. bị CSGT lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và bị tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Ông N. ký vào biên bản vi phạm. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Đội CSGT Hàng Xanh cho biết, phần lớn người vi phạm nồng độ cồn mà đơn vị xử lý vừa qua là người buôn bán và không có cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Do người dân đã một phần ý thức về việc sử dụng nồng độ cồn khi lái xe có thể gây nguy hiểm cho mình và mọi người.
Lực lượng CSGT TPHCM được quán triệt phải xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, lực lượng CSGT TPHCM được quán triệt phải xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Quan điểm của Công an TPHCM là sai tới đâu xử lý tới đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.
Đối với các trường hợp phát hiện người lái xe vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thì CSGT sẽ ghi nhận các loại giấy tờ có liên quan, xác minh; gửi thông báo vi phạm đến cơ quan công tác để tổ chức kiểm điểm và xử lý theo quy định.