Sở Công thương TPHCM cho biết, các DN trên địa bàn đã chuẩn bị 19.881 tỷ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, tương đương Tết năm 2021. Trong đó, 7.221 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của DN chuẩn bị là 11.024 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.
Hàng hóa được DN chuẩn bị phục vụ mùa Tết tập trung vào sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, thịt, rau củ quả, đường, gạo, nước mắm, dầu ăn… Trong đó, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm 29%-54,5% nhu cầu như thịt gia cầm (54,5%), trứng gia cầm (47%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)… Đặc biệt, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Theo các DN cung ứng hàng hóa, năm nay Tết Nguyên đán cách Tết Dương lịch 1 tháng nên việc sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết dự kiến có đủ thời gian để chuẩn bị. Ở thời điểm này, hầu hết các nhà máy đều trong trạng thái hoạt động tối đa công suất nhằm kịp đơn hàng mà kênh phân phối đặt trước. “Thực tế ngay từ khi bước vào bình thường mới chúng tôi đã huy động thêm công nhân thời vụ để tăng tối đa công suất phục vụ đơn hàng từ các nhà bán lẻ như Co.opmart, Bách hóa Xanh… So với ngày thường công suất tăng gấp đôi, gấp ba”, đại diện Công ty TNHH Meizan CLV chia sẻ.
Tương tự Công ty cổ phần Sài Gòn Food ở KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cũng ráo riết tìm hàng trăm lao động để kịp thời sản xuất 3.000 tấn hàng Tết, tăng 2% so với năm ngoái. Với kinh nghiệm chuẩn bị hàng hóa sau những đợt dịch vừa qua, DN cho biết nhằm chủ động phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, hiện DN đã triển khai biện pháp phòng chống dịch và sẵn sàng tâm thế xuất hiện F0 trong nhà máy, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp ứng phó.
Cùng với DN sản xuất, đến nay các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với số lượng gấp 2-3 lần so với tháng thường. Các hệ thống này đang tích cực làm việc với những nhà cung cấp tiềm năng từ các tỉnh, thành để bổ sung nguồn cung, thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng dịp Tết. Cùng với đó là lên kế hoạch kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm dự kiến tăng cao trong những ngày cuối năm.
Điển hình, Saigon Co.op cho biết đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Ngay từ giữa năm nay, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2-3 lần. “Phần lớn ngân sách chúng tôi dành ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết.
Trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các DN trên địa bàn TPHCM khẳng định sẽ luân phiên thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với mức giảm từ 5%-49% so với giá bán. Trong đó, nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết sẽ cố gắng giữ và giảm giá giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, Saigon Co.op còn thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân, duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng, phiếu quà tặng…
Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công thương), qua công tác kiểm tra, đánh giá thực tế cho thấy, nguồn hàng hóa tại TPHCM hiện khá dồi dào. Tuy vậy, để đảm bảo các ngày cận Tết nguồn hàng không bị thiếu hụt, sốt giá, cuối năm, cận Tết, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường mở đợt cao điểm kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm là các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Ngoài kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường còn chú trọng tuyên truyền cho người dân, không tiếp tay cho các tổ chức cá nhân thu lời bất chính, xâm phạm bản quyền, nhất là đối với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.