Theo đó, nhằm hỗ trợ cho ngành giáo dục TP thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện trang bị các thiết bị điện tử để học tập, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị Ban Tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy, TP Thủ Đức và các đảng ủy cấp trên cơ sở, Ban Tuyên giáo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội TP tham mưu thường trực cấp ủy, đảng đoàn lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt chỉ thị của UBND TPHCM về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 với mục tiêu "Giáo dục TPHCM vượt qua đại dịch, vững vàng phát triển".
Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề nghị chú trọng việc rà soát, hỗ trợ cụ thể, kịp thời các gia đình giáo viên, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, khó có thể thực hiện nhiệm vụ dạy và học.
Song song đó, quan tâm thực hiện việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đóng góp, hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn về phương tiện học tập như máy tính, điện thoại thông minh, kết nối đường truyền internet hoặc tặng các gói internet miễn phí, sách giáo khoa, tập vở, đồ dùng học tập...
Ngoài ra, các cấp cũng tích cực tham gia vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân hoặc sử dụng các quỹ học bổng, quỹ "nuôi heo đất"... để hỗ trợ cho học sinh khó khăn đầu năm học mới.
Đại diện ngành GD-ĐT quận 8 giao sách giáo khoa tận tay phụ huynh học sinh
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục và đào tạo có hơn 1,7 triệu học sinh, trong đó bậc mầm non có 339.298 học sinh, tiểu học có 688.100 học sinh, THCS 451.965 học sinh, THPT có 234.767 học sinh 23.471 học viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Hiện nay, toàn TP có 249 trường đang sử dụng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm ngừa và 300 trường làm chỗ trú đóng cho lực lượng quân đội. Toàn ngành có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.
Công tác chuẩn bị năm học mới hiện gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, công tác tuyển dụng giáo viên đều bị chậm hơn so với dự kiến. Riêng công tác phát hành sách giáo khoa, nhất là cho các khối 1, 2, 6 chưa được các nhà xuất bản hoàn thành, mới có 20,7% học sinh tiểu học được nhận sách.
Nhằm đảm bảo tiến độ học tập của học sinh cũng như duy trì chất lượng giáo dục, ngành giáo dục TP chọn giải pháp dạy học bằng hình thức trực tuyến cho tất cả học sinh phổ thông.
Qua khảo sát, đại đa số học sinh có đủ điều kiện, thiết bị theo học hình thức này nhưng vẫn còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện tiếp cận học tập như không có thiết bị (máy tính bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh), kết nối mạng internet.
Cụ thể, có 57.723 (tỷ lệ 8,7%) học sinh tiểu học, 23.081 (tỷ lệ 8,4%) học sinh THCS và 4.185 (tỷ lệ 2,3%) học sinh THPT, 2.175 (tỷ lệ 9,26%) học viên từ lớp 6 đến lớp 12 của các trung tâm giáo dục thường xuyên chưa có đủ điều kiện học tập trực tuyến.