Chiều 20-11 (giờ địa phương), Đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến Thủ đô Helsinki, Cộng hòa Phần Lan bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại đất nước này.
Tháp tùng đoàn có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM; Thái Thị Bích Liên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.
Tham gia cùng còn còn có các đồng chí: Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy quận 8; Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ; Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM; Cao Sơn Yên, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Phạm Dứt Điểm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM.
Nhiều thuận lợi trong phát triển quan hệ song phương
Theo đó, đoàn đã đến chào xã giao chính quyền Thủ đô Helsinki. Tiếp đoàn có ông Juhana Vartiainen, Thị trưởng Thủ đô Helsinki; ông Peter, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của Finest Future và nhiều cán bộ của Chính quyền Thủ đô Helsinki phụ trách hợp tác quốc tế, đô thị thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thị trưởng Thủ đô Helsinki Juhana Vartiainen đã giới thiệu với đoàn về tầm nhìn phát triển của Thủ đô Helsinki, trong đó đặc biệt chú trọng đến 3 phương diện: phát triển kinh tế bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu đến năm 2023, trở thành thành phố trung hòa cácbon; phát triển xã hội bền vững.
Ông Juhana Vartiainen, Thị trưởng Thủ đô Helsinki, Cộng hòa Phần Lan tiếp đón Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải |
Theo ông Juhana Vartiainen, để đạt được các tầm nhìn phát triển trên, chính quyền Thủ đô Helsinki rất đề cao đầu tư phát triển cho giáo dục, đảm bảo mọi người dân, từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành đều được tiếp cận giáo dục bình đẳng và trang bị các kỹ năng cần thiết.
Ông Juhana Vartiainen cho biết, số lượng du học sinh Việt Nam tại Helsinki đang ngày càng gia tăng và trở thành cộng đồng du học sinh lớn nhất tại Helsinki. Chính quyền Helsinki cũng như người dân đề cao sự chăm chỉ, năng động và cầu tiến của du học sinh Việt Nam.
Thị trưởng Thủ đô Helsinki, Cộng hòa Phần Lan - Juhana Vartiainen tại buổi làm việc |
Đáp lại tình cảm nồng hậu, sự đón tiếp nhiệt tình của lãnh đạo Thủ đô Helsinki, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải bày tỏ vinh dự khi dẫn đầu đoàn đại biểu TPHCM đến thăm Thủ đô Helsinki xinh đẹp và cổ kính.
Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, chuyến thăm càng trở nên vô cùng ý nghĩa, khi Việt Nam và Phần Lan đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhớ sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Phần Lan dành cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, đặc biệt các chương trình “hợp tác phát triển” thời gian qua trong các lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Đề cập đến vị trí của Thủ đô Helsinki khi là một trong những thành phố có mức sống cao nhất, đáng sống nhất trên thế giới và tạo ra 35% tổng GDP của Phần Lan, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tin tưởng với vai trò đều là một trong những trung tâm lớn về nhiều mặt ở mỗi quốc gia, TPHCM và Thủ đô Helsinki sẽ có những bước đi, biện pháp mạnh mẽ hơn để biến tiềm năng thành các dự án hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho hai địa phương, làm nền tảng thúc đẩy quan hệ hai nước.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc với Thị trưởng Thủ đô Helsinki |
Tại buổi chào xã giao, ông Juhana Vartiainen cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về phát triển giáo dục, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Thủ đô Helsinki nói riêng và Phần Lan nói chung.
Liên quan đến nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cũng cho biết, TPHCM hiện là đầu tàu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đầu mối giao lưu quốc tế của Việt Nam, tập trung gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm ⅓ số doanh nghiệp cả nước). Tuy chỉ chiếm khoảng 0,6% diện tích và 10% dân số cả nước nhưng trung bình hàng năm TPHCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% tổng thu ngân sách, 25% kim ngạch xuất khẩu và thu hút trên 40% tổng dự án FDI cả nước.
Bên cạnh đó, TPHCM đang xây dựng khu Đông Thành phố thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo mang tính tương tác cao; gồm nơi tập hợp các trường đại học; Khu Công nghệ cao; vị trí khu trung tâm tài chính tương lai; sẽ tạo thành tam giác chiến lược nhằm phát triển môi trường đổi mới sáng tạo của thành phố. TPHCM cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ TPHCM. Việt Nam và Phần Lan đã và đang hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Sáng tạo. Đồng chí khẳng định đây cơ sở thuận lợi để TPHCM thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác với Phần Lan nói chung, Helsinki nói riêng.
Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình lưu niệm cùng Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan |
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồ Hải hoan nghênh ý tưởng của ông Peter, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của Finest Future trong việc Helsinki sớm tổ chức đoàn gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp và các cơ sở đào tạo của Phần Lan sang thăm TPHCM để kết nối, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên về đổi mới, cải tiến giáo dục, liên kết đào tạo, giao lưu giữa cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó tạo nền tảng cho hợp tác giữa TPHCM và Helsinki.
Hợp tác phát triển mạnh mẽ trong giáo dục
Cùng ngày, đoàn đại biểu TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với ông Samu Seitsalo, Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan.
Quang cảnh buổi làm việc với ông Samu Seitsalo, Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan |
Tiếp đoàn đại biểu TPHCM có ông Samu Seitsalo, Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan; bà Marjo Somari, Chuyên gia cao cấp của Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan phụ trách hỗ trợ các cơ sở đào tạo của Phần Lan trong việc tuyển sinh quốc tế; bà Ida Immonen, cán bộ phụ trách các dịch vụ giáo dục quốc tế của Phần Lan.
Tại buổi tiếp, ông Samu Seitsalo đã giới thiệu với đoàn về nhiệm vụ, chức năng của Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan; về vai trò của giáo viên trong quá trình giảng dạy và công tác biên soạn sách giáo khoa. Phần Lan được biết đến là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số có trình độ học vấn cao cấp chiếm 45% dân số.
Trao đổi lại, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thông tin, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Phần Lan là cộng đồng sinh viên nước ngoài lớn thứ 2 tại Phần Lan với khoảng hơn 2.500 em. Con số này thể hiện rõ nét sự quan tâm của cộng đồng tài năng trẻ của Việt Nam với nền giáo dục tiên tiến của Phần Lan, đóng góp vào tương lai tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao quà lưu niệm tặng ông Samu Seitsalo, Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan |
Tại TPHCM, từ khi khánh thành, Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) – trường quốc tế đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng triết lý giáo dục của Phần Lan – và Trung tâm dạy nghề Phần Lan KONE đã và đang hoạt động hiệu quả, xứng đáng là biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả cũng như sự tin cậy chung mà Chính phủ hai bên đã cùng chia sẻ, với mục tiêu chung là xây dựng một thế hệ tương lai của Việt Nam với nền giáo dục chất lượng cao của Phần Lan.
Lãnh đạo TPHCM tin tưởng các em học sinh tại các trường này, cùng với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan, sẽ là cầu nối quan trọng để hai quốc gia phát triển quan hệ song phương.
Thông tin thêm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, dân số TPHCM tương đối trẻ, năng động, có chuyên môn, tay nghề cao, hội nhập quốc tế hiệu quả. TPHCM có khoảng hơn 13 triệu người, trong đó có 7 triệu lao động và 4 triệu học sinh - sinh viên. Đó sẽ là đối tượng phù hợp để thúc đẩy giáo dục – đào tạo, trao đổi nhân lực chất lượng cao giữa Phần Lan và Việt Nam.
Lãnh đạo TPHCM mong muốn thời gian tới, Phần Lan xem xét tăng số học bổng dành cho sinh viên Việt Nam, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục của TPHCM thông qua hỗ trợ xây dựng chiến lược đổi mới giáo dục của thành phố, chia sẻ kinh nghiệm quản lý trường học, chuyển đổi số trong giáo dục, xây dựng chương trình đào tạo liên kết, trao đổi sinh viên/giáo viên, đầu tư/hỗ trợ cơ sở vật chất.