Kinh tế - xã hội TPHCM đang đứng trước cơ hội tái cấu trúc nền tảng và phát triển toàn diện. Những bệ đỡ đã được xác lập, đó là: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.
Đặc biệt, ngày 2-12, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM, với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Từ thực trạng và yêu cầu mang tính tiên quyết của thành phố, công nghiệp hóa sẽ xuất phát điểm với quyết sách tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng; trong đó triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành đường Vành đai 2, khởi công hệ thống Vành đai 3 và 4; tuyến metro số 1 và số 2. Chỉ khi “khơi thông” các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực đầu tư thì hệ thống hạ tầng trọng điểm nói trên mới có thể khả thi và về đích.
Cùng với đó là thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, quản lý điều hành giao thông thông minh toàn thành phố. Xây dựng những giải pháp mang tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, có lộ trình tăng tỷ lệ ô tô điện toàn thành phố.
Con người là lõi giá trị của mọi cuộc chuyển đổi, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa. Ở giai đoạn 2011-2020, thành phố đã xác định tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Song, so với tốc độ phát triển nói chung thì nguồn nhân lực trình độ cao trên địa bàn hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, trong cuộc tái cấu trúc lần này, yêu cầu chuyển, giảm các khu vực sản xuất có mức thâm dụng lao động cao, chiếm quỹ đất lớn, ít hoặc chưa áp dụng công nghệ cũng đồng nhất với sự chuyển đổi nhân lực trình độ cao. Đây cũng là điều kiện cần và đủ cho cuộc “tái định vị” các ngành kinh tế chủ lực của thành phố trong tình hình mới.
Từ góc nhìn chuyên gia, các đề xuất đều cho thấy cần có thêm nghiên cứu chuyên sâu về các ngành mũi nhọn trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và cách chuyển đổi sang các ngành mũi nhọn mà TPHCM nên phát triển để theo kịp và dẫn đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Phần lớn các ngành mũi nhọn của TPHCM trong giai đoạn mới này sẽ không phải là các ngành truyền thống, mà sẽ thuộc một trong 3 nhóm: Các ngành công nghiệp công nghệ cao mà thành phố có ưu thế để phát triển, như: vật liệu mới trong ngành cơ khí, chế tạo và ngành cao su - nhựa hay phát triển phần mềm trong ngành điện tử - công nghệ thông tin…; các ngành truyền thống có định hướng chuyển đổi và áp dụng công nghệ 4.0, như: vận dụng công nghệ số hóa vào việc trồng trọt để gia tăng sản lượng, giảm chi phí, hay áp dụng tự động hóa trong ngành cơ khí, chế tạo; và các ngành công nghệ mới mang tính đột phá và sẽ giúp TPHCM và Việt Nam đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, như: công nghệ nano và biến đổi gen trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm, công nghệ in 3D trong lĩnh vực cơ khí, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), AR (thực tế ảo tăng cường) và big data (dữ liệu lớn).
Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa xuất phát và vận hành trên chính nền tảng nội lực và ưu thế của thành phố, của giá trị “đất và người” vốn có khả năng sáng tạo, thích nghi, hội nhập sâu rộng, bền vững.