“Hậu đại dịch và tốc độ vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… đã “mở mắt” cho cả thế giới về sự lựa chọn “muốn đi dài thì Xanh, muốn đi nhanh thì Số””. Công nghiệp vi mạch bán dẫn đang là ưu tiên của kinh tế toàn cầu, là đầu vào không thể thiếu để sản xuất của rất nhiều ngành công nghiệp quan trọng.
Trong quy trình sản xuất vi mạch điện tử, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang ở giai đoạn 3 - đóng gói/kiểm thử vốn có giá trị kinh tế thấp nhất sau thiết kế, chế tạo. Như vậy, khi chọn ngành Công nghiệp bán dẫn/Thiết kế vi mạch điện tử tích hợp thì cần bắt đầu từ khâu thiết kế. Bởi Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, giáo dục bậc cao; tài nguyên thiên nhiên phong phú; là “Đối tác Chiến lược Toàn diện” của những nền kinh tế công nghiệp phát triển, hàng đầu về vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, do chưa có sự phát triển đáng kể trong việc sản xuất, chế tạo thiết bị bán dẫn, chúng ta khó có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mất nhiều thời gian để đầu tư, xây dựng, khiến việc đầu tư khó có hiệu quả. Vì vậy, để bắt đầu từ khâu thiết kế, đòi hỏi sự đột phá về công nghệ, chất xám và phù hợp với tình hình cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng như định hướng chiến lược trong quá trình xây dựng, phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Đơn cử một ngành ưu tiên, lĩnh vực đòi hỏi đầu tư tập trung nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược như vi mạch bán dẫn để thấy, không chỉ bấy nhiêu lợi thế về tài nguyên, nhân lực, hướng phát triển chiến lược là đã đủ mà để khơi thông 3 thành tố trên, trên bình diện chung cần phải tạo nền có tính đồng bộ, nhất quán, hiệu lực thật sự để cho bước thực thi được triển khai sớm.
Nói riêng về các điều khoản mà thành phố ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, đơn cử họ phải được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư. Cũng như cần tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tất nhiên, cần tiến hành cải cách triệt để ở mảng thủ tục đầu tư, hải quan, thuế, đăng ký kinh doanh, vận dụng các điểm mới, mở của Nghị quyết 98 để đặt lên bàn cân các chính sách ưu đãi trong khu vực (Đông Nam Á, châu Á) để thành phố có các điều khoản tiệm cận nhằm thu hút nhà đầu tư. Phải mở rộng không gian phát triển của TPHCM ra khỏi địa giới hành chính, tức tăng cường liên kết vùng theo hướng - các tỉnh, thành trở thành vùng nguyên liệu, sản xuất, đối tác, trong khi thành phố là vùng lõi với những ngành nghề sáng tạo, khoa học kỹ thuật vượt trội và hỗ trợ ngược lại cho các địa phương.
Rõ ràng, xác định tránh chạy theo xu hướng của thế giới mà chủ động đón đầu, kể cả tiếp thị các lợi điểm có tính cạnh tranh cao, nhìn nhận rõ nguồn lực của thành phố gắn với chiến lược tăng trưởng xanh, tức cân bằng trong thế chân vạc lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường cùng dư địa phát triển trong chia sẻ kinh nghiệm lẫn tầm nhìn cùng khu vực và thế giới.
Trên nền tảng này, thành phố có thể thiết lập danh mục lựa chọn cho sự đầu tư, phát triển bao gồm: hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), là vùng hội tụ của các ngành/lĩnh vực Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ vật liệu mới; Năng lượng sạch; Công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn; Công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới; Công nghiệp năng lượng sạch và đặc biệt là hướng tới đầu tư hạ tầng biển với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Một điểm đáng lưu tâm trong lựa chọn nhà đầu tư là có thể họ không đáp ứng đủ điều kiện nhà đầu tư chiến lược về vốn nhưng lại đang có lợi thế hoạt động trong lĩnh vực cần thu hút cho thành phố, như lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao thì cũng cần cân nhắc để có sự lựa chọn “cho tương lai”.