Theo các chuyên gia khí tượng, hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã có dấu hiệu kết thúc mùa mưa để chuyển dần sang mùa khô, trong khi khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cũng đã kết thúc gió mùa Tây Nam.
Các chuyên gia dự báo, từ ngày 20 đến 29 tháng này, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có thể đối mặt với một đợt nắng nóng sớm dị thường, đặc biệt là tại Đông Nam bộ (bao gồm TPHCM), với nhiệt độ có thể lên đến 34-36 độ C.
Do chuyển dần sang mùa khô nên tại Tây Nguyên, các tỉnh như Gia Lai và Đắk Lắk có nhiều dấu hiệu không có mưa lớn trong thời gian tới, mà chỉ có một số cơn mưa nhỏ không đáng kể. Tuy nhiên, một số khu vực như núi Ngọc Linh và Lâm Viên vẫn tiếp tục duy trì mùa mưa.
Tình trạng gió mùa kết thúc sớm ở Đông Nam bộ cũng dẫn đến hiện tượng nắng nóng đến sớm và trở nên gay gắt hơn. Tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và TPHCM, dự báo nhiệt độ có thể lên tới 36 độ C trong đợt nắng nóng này. Nhiệt độ lên cao, trời giảm mưa và nắng rát dẫn đến nguy cơ khô nóng, cháy cỏ.
* Theo thông tin từ Hệ thống Dự báo khí hậu toàn cầu (Hoa Kỳ) và Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu, chiều tối 17-11, tâm bão Manyi đã đổ bộ vào khu vực đảo Luzon của Philippines. Ngày 18-11, tâm bão vào Biển Đông.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão Manyi mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20km/giờ và được đánh giá là siêu bão. Trung tâm này cũng nhận định, ngày 18-11, siêu bão Manyi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9. Đến chiều 18-11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 640km về phía Đông Đông Bắc. Khi này, bão giảm cường độ xuống cấp 11-12, giật cấp 14.
Sau khi vào Biển Đông, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 25 km/giờ và sẽ suy yếu dần. Đến chiều 19-11, bão sẽ giảm cường độ xuống cấp 9, giật cấp 12. Đến ngày 20-11, bão sẽ di chuyển về phía Tây Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
* Ngày 17-11, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thay mặt Bộ NN-PTNT tiếp tục ký công điện đề nghị ứng phó cơn bão số 9 (Manyi).
Công điện của Bộ NN-PTNT đã được gửi đến các cơ quan, địa phương liên quan, đề nghị triển khai các biện pháp phòng tránh và ứng phó kịp thời với bão.
Theo công văn, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận cần theo dõi sát sao diễn biến của bão, thông báo cho ngư dân và các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển về vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Các lực lượng cứu hộ cũng phải sẵn sàng để ứng cứu khi có yêu cầu.
Văn bản cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường thông tin về diễn biến của bão, giúp chính quyền và người dân có sự chuẩn bị kịp thời.
Các bộ, ngành có liên quan cần chủ động phối hợp với địa phương để ứng phó hiệu quả với bão.