Theo đó, Nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã).
Số lượng phó chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành chính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND thì phó chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng phó chủ tịch UBND quy định tại nghị định này.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng thêm phó chủ tịch UBND các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ, nhưng bảo đảm số lượng phó chủ tịch UBND tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều động không quá 1 người.
Theo nghị định, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh và giao quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó Chủ tịch UBND cấp huyện; quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện và giao quyền chủ tịch UBND cấp huyện.
Chủ tịch UBND cấp huyện phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã và giao quyền chủ tịch UBND cấp xã.
Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn:
- Tỉnh loại I có không quá 4 phó chủ tịch UBND;
- Tỉnh loại II, loại III có không quá 3 phó chủ tịch UBND;
- Huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch UBND;
- Huyện loại II, loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND;
- Xã loại I, loại II có không quá 2 phó chủ tịch UBND;
- Xã loại III có 1 phó chủ tịch UBND.
Đối với đơn vị hành chính ở đô thị:
- TP Hà Nội và TPHCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND;
- Thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 phó chủ tịch UBND;
- Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 phó chủ tịch UBND;
- Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND;
- Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 2 phó chủ tịch UBND;
- Phường, thị trấn loại III có 1 phó chủ tịch UBND.
Nguyên tắc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND: Việc bầu thành viên UBND bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cũng theo nghị định, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do HĐND cùng cấp quyết định.
Trường hợp phó chủ tịch, Ủy viên UBND được HĐND bầu chức danh mới nhưng vẫn thuộc thành viên UBND cùng đơn vị hành chính đó thì không thực hiện thủ tục miễn nhiệm chức danh cũ trước khi bầu chức danh mới. Khi được bầu vào chức danh mới thì đương nhiên thôi thực hiện nhiệm vụ của chức danh cũ.
Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; đề nghị điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh và giao quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Sở Nội vụ giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện; đề nghị điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện và giao quyền chủ tịch UBND cấp huyện.
Phòng Nội vụ giúp Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; đề nghị điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã và giao quyền chủ tịch UBND cấp xã.
Nghị định cũng quy định số lượng phó chủ tịch UBND khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp; số lượng phó chủ tịch UBND khi chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp; số lượng cụ thể phó chủ tịch UBND…