Tại buổi khảo sát của đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra vào ngày 21-2 vừa qua, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã nhìn nhận, so với tiềm năng của mình thì TP chưa làm tốt vai trò kết nối đội ngũ trí thức vào công cuộc xây dựng sự phát triển của TP.
15 năm từ khi Nghị quyết 27 ra đời (năm 2008), đặt trong tổng thể nguồn “tài nguyên chất xám” của quốc gia và chính sách thu hút của Việt Nam với cả 3 đối tượng trí thức, bao gồm chuyên gia Việt Nam ở trong nước, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài ở trong và ngoài Việt Nam, vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Một số chính sách ưu đãi, khuyến khích gặp khó khăn khi triển khai thực tế khiến rất ít chuyên gia có thể được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi này. Chẳng hạn như bổ nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; các đãi ngộ về lương, nhà ở, thuế… Đa số các quy định chính sách và văn bản hướng dẫn còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng và nhất quán. Trong đó có quy trình và các tiêu chí cụ thể về tuyển dụng và mức lương, chức danh khoa học sẽ công nhận theo quy chế riêng hay vẫn theo Luật Khoa học và Công nghệ Việt Nam?
Việc chưa có cơ sở dữ liệu mở về mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học phân theo lĩnh vực hoặc về các ưu tiên nghiên cứu, các đơn đặt hàng nghiên cứu nên việc thu hút chỉ đang dừng ở bước đi tìm, thay vì để chuyên gia có thể tự tìm đến, là một bước cản rất lớn. Năng lực và cơ chế quản lý/quản trị ở các tổ chức khoa học và công nghệ, trường, viện còn hạn chế nhiều mặt dẫn tới sự e ngại khi phối hợp cùng các chuyên gia ngoài hệ thống. Kinh phí, thủ tục văn bản liên quan đến kinh phí chi trả cho các chính sách ưu đãi, môi trường sống và làm việc, kể cả văn hóa chính trị cơ quan, cách thức giao việc và chịu trách nhiệm… đều có những bất cập.
TPHCM ngoài những khó khăn chung nói trên thì đến nay TP chưa có nghị trình nghiên cứu (bao gồm các chiến lược nghiên cứu dài hạn và các chương trình nghiên cứu trung hạn), chưa có cơ chế riêng cho TP về thu hút nhân tài, đặc biệt là về cơ chế tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu… Chưa kể, TP cũng chỉ mới dừng lại trong phạm vi tập trung thu hút chuyên gia kỹ thuật, chủ yếu là thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều....
Để không lãng phí nguồn tài nguyên chất xám, đặt trong thời điểm khởi động các quyết sách dẫn dắt sự phát triển TP trong giai đoạn mới, cần nhanh chóng triển khai cùng lúc chính sách thu hút chuyên gia và chính sách huy động chuyên gia nhằm khai thác vốn tri thức, kinh nghiệm trong việc tư vấn cơ chế và chính sách phát triển cho TP, nhất là tham gia tư vấn xây dựng và phản biện chính sách.
Cần có các phương thức bài bản, phù hợp, tối giản (về thủ tục), phá vỡ các “rào cản” ngoài hệ thống để đạt hiệu quả cao nhất chính sách thu hút - huy động chuyên gia nhiều lĩnh vực. Từng bước tiến hành giải pháp nền tảng: xây dựng mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước theo cơ chế huy động để phối hợp, hợp tác nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách cho thành phố. Các chuyên gia trong mạng lưới này cũng là cầu nối với các chuyên gia khác ở trong và ngoài nước để làm việc trong các dự án của TPHCM.
Trên giải pháp nền tảng đó, chú trọng triển khai các chương trình hợp tác, trao đổi chuyên gia, thực tập tại các cơ quan chính quyền; các trường, viện và các đơn vị sự nghiệp của TP và đóng trên địa bàn TP. Thực hiện cơ chế trao đổi chuyên gia giữa TPHCM với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở nghiên cứu khoa học, thúc đẩy các đại học thực hiện chính sách phát triển và mở rộng các khoa khoa học - công nghệ, tuyển dụng các tài năng để cùng hợp tác nghiên cứu các dự án của TP.