TPHCM và ĐBSCL liên kết, tạo bước đột phá phát triển du lịch
SGGPO
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có sự tham gia của các tỉnh trong liên kết du lịch. Đồng thời, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TPHCM và vùng ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Bên cạnh đó, các tỉnh - thành cũng cần phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù.
Ngày 14-12, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị Lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch, lần 2 năm 2019.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: Mặc dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; thiếu chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng; thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước…
Cùng quan điểm, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc liên kết phát triển du lịch giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL với TPHCM để cùng phát triển bền vững là tất yếu. Tuy nhiên, những năm qua việc liên kết chưa đi vào chiều sâu, do đó hiệu quả không cao.
“Tại Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL lần thứ 1 năm 2019 tổ chức tại TPHCM vừa qua, thể hiện sự quyết tâm thay đổi để tạo bước đột phá. Đồng Tháp tin tưởng và kỳ vọng đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển không chỉ là du lịch mà còn cả về hạ tầng giao thông, văn hóa và kinh tế toàn vùng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu nói.
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tư Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - một điểm đến thường xuyên của du khách khi đến Bạc
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), cho biết năm 2018, khu vực ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách nhưng trong đó chỉ có 3,4 triệu khách quốc tế. Con số còn quá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch rất lớn của vùng.
Theo Tổng Giám đốc Vietravel, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL với TPHCM trong những năm gần đây vẫn chưa phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng; các sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng bị nhiều du khách đánh giá là thiếu sự đa dạng và bị trùng lắp; thương hiệu du lịch của vùng và từng địa phương trong vùng chưa được đầu tư đẩy mạnh, đa số khách du lịch quốc tế chỉ biết những nơi như TPHCM, An Giang, Cần Thơ, Phú Quốc... những địa phương còn lại đều được quy là “khu vực ĐBSCL”.
Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng, thời gian qua, khu vực ĐBSCL đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đầu tư nâng cao giá trị các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa - lịch sử, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nuớc.
“Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi thấy du lịch ĐBSCL còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, và mong muốn tiếp tục đồng hành, hợp tác sâu rộng và cùng khai thác hiệu quả, bền vững sản phẩm du lịch tại khu vực ĐBSCL”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Saigontourist chia sẻ.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TPHCM. Trong những năm qua, nhận thức về vai trò của ĐBSCL đối với phát triển của TPHCM và vai trò của TPHCM đối với phát triển khu vực này chưa thật toàn diện, nên trên thực tế chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hợp tác giữa các bên.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và liên ngành, do đó sự thiếu đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực đã tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển của ngành. 14 địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có sự tham gia của các tỉnh trong liên kết du lịch. Đồng thời, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TPHCM và vùng ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Bên cạnh đó, các tỉnh - thành cũng cần phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Liên kết phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn Nhà nước với doanh nghiệp du lịch, vì vậy các địa phương cần bám sát chiến lược của quốc gia dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tài nguyên văn hóa rất quan trọng, các vùng cần duy trì và phát huy hơn nữa nguồn tài nguyên này. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo lại nguồn nhân lực làm công tác du lịch và TPHCM là đầu mối, là nơi thí điểm để đào tạo nguồn nhân lực nhân có trình độ quốc tế sau đó triển khai lại cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TPHCM và các địa phương trong vùng ĐBSCL đã khẩn trương cụ thể hóa kết quả Hội nghị lần thứ nhất tại TPHCM vừa qua; đồng thời cho rằng các nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch tại Hội nghị phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển du lịch cả nước. Đây sẽ là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới hiện nay, góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển du lịch của vùng ĐBSCL và TPHCM, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu sắc hiện nay.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho rằng trên cơ sở thỏa thuận, TPHCM và các địa phương cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể cho 6 nội dung hợp tác đã xác định, từ đó đề ra kế hoạch liên kết hợp tác hàng năm. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện ký kết thỏa thuận phát triển du lịch.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020-2025.
5 lĩnh vực hợp tác giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL
Theo ký kết hợp tác giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, các địa phương thống nhất thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL do chủ tịch UBND TPHCM làm chủ tịch hội đồng. Thỏa thuận liên kết này có hiệu lực từ năm 2020 đến năm 2025.
Có 5 nội dung hợp tác:
Thứ nhất, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương: thông tin về các sản phẩm du lịch, các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch; thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế, tình hình nhân lực và công tác đào tạo nguồn du lịch…
Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch: trên cơ sở tiềm năng du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác.
Thứ ba, quảng bá xúc tiến du lịch: xây dựng thương hiệu du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; trên cơ sở nhu cầu quảng bá điểm đến của các tỉnh, thành ĐBSCL, TPHCM sẽ làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành của thành phố và quốc tế thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành trong liên kết…
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch: hợp tác nâng cao trình độ quản lý các cơ sở du lịch của TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL theo chuẩn quốc tế, giai đoạn 2020- 2022; TPHCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn tại các địa phương theo nội dung do các tỉnh, thành đề xuất. . .
Thứ năm, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch: các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nước và quốc tế; TPHCM hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành trong liên kết…
Trong quá trình phối hợp, triển khai, các địa phương có thể đề xuất, góp ý các nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Kết thúc chương trình, các bên sẽ tổ chức hội nghị tổng kết và bàn phương hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo. Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL họp 2 lần mỗi năm, vào tháng 5 và tháng 11. Sau mỗi cuộc họp, thống nhất thông báo kết luận gửi đến Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành 14 địa phương; kết thúc giai đoạn liên kết, tổ chức họp, đánh giá kết quả phối hợp và định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.