Ngày 31-3, Sở y tế TPHCM cho biết, sau 20 ngày triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn TPHCM, đã có 84.799 lượt F0 khai báo (tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn), qua đó, các Trạm y tế trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và đã xác nhận 61.406 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 72%.
Tỷ lệ này đã cải thiện rõ rệt nếu so với những ngày đầu tiên triển khai (chỉ chiếm khoảng 20%).
Theo Sở Y tế TPHCM, có 1.233 người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền) và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng (khai báo có cảm giác mệt, khó thở, đau tức ngực) đã được Trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời sau khi được cảnh báo nhắc qua tin nhắn gửi đến các Trạm y tế.
Đây là một tiện ích đã được Sở Y tế bổ sung sau 1 tuần triển khai thử nghiệm, giúp các bác sĩ của Trạm y tế không bỏ sót các trường hợp F0 có dấu hiệu nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.
Phân tích thời gian khai báo của F0 cho thấy hầu hết đã khai báo trong 48 giờ đầu và dự kiến, sắp tới Sở Y tế dự kiến sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM rút ngắn thời gian khai báo xuống còn trong vòng 48 giờ đầu nhằm tạo thói quen khai báo ngay trong vòng 48 giờ (điều này rất có lợi cho người thuộc nhóm nguy cơ) và tạo điều kiện thuận lợi cho các Trạm y tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu Ban Giám đốc các Trung tâm Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn tiếp tục đẩy nhanh đăng ký chữ ký số cho các Trạm y tế, UBND phường, xã để thuận lợi hơn trong cấp chứng nhận trực tuyến cho người F0 đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc chuyển đổi một quy trình thủ tục từ hình thức thông thường sang hình thức trực tuyến không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó nơi cung cấp dịch vụ giữ vai trò quan trọng phải không ngừng bám sát thực tế, rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung, điều chỉnh để ứng dụng trực tuyến giảm thiểu thấp nhất những rủi ro về kỹ thuật và tạo sự tiện lợi nhất cho người sử dụng.
“Một ứng dụng trực tuyến thay thế cho toàn bộ thủ tục hành chính vốn gây mất nhiều thời gian và phiền phức cho người dân và cả nhân viên y tế để được xác nhận là F0 đạt được tỷ lệ thành công như trên chỉ sau 3 tuần triển khai là đáng khích lệ. Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm, cải tiến liên tục để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian sắp tới, tất cả hướng đến sự hài lòng của người dân”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin. |