Chương trình nhằm tư vấn cho học sinh khối 12 về định hướng học tập, cơ hội nghề nghiệp để qua đó giúp học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và kinh tế gia đình. Ngoài ra, các hoạt động tư vấn cũng nhằm đem đến bức tranh tổng quan về các ngành nghề lao động trong xã hội, hệ thống các loại hình đào tạo, dự báo về xu hướng phát triển nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động tương lai.
Thông qua các hoạt động hỏi – đáp, trao đổi, tư vấn, học sinh sẽ có nhận thức đúng đắn về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, qua đó xác định mục tiêu, kế hoạch học tập phù hợp.
Năm nay, chương trình sẽ diễn ra tại hơn 100 trường THPT trên địa bàn TPHCM và hơn 300 trường THPT ở các tỉnh, thành phố như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Thuận…
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chương trình được tổ chức hàng năm nhằm cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh để có lựa chọn ngành học, trường học trong tương lai phù hợp với khả năng, năng lực, sở thích, qua đó tiết kiệm thời gian, công sức của chính các em, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tại buổi tư vấn, Nguyễn Phạm Mỹ Tâm, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Trần Văn Giàu, đặt câu hỏi về triển vọng nghề nghiệp của các ngành đào tạo ngoại ngữ. Đáp lại băn khoăn này, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng Phòng tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, ngoại ngữ là một trong những công cụ phát triển hàng đầu. Trong đó, học sinh không nên quan niệm “học ngành gì sẽ ra làm nghề đó” mà thay vào đó, các em có thể cùng học một ngành đào tạo nhưng làm nhiều nghề khác nhau. Đơn cử, cùng tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh, cử nhân ra trường có thể phụ trách nhiều công việc như giáo viên ngoại ngữ, biên phiên dịch, quan hệ quốc tế, giao dịch văn phòng… Vì vậy, sau khi xác định ngành học, học sinh cần dựa vào đam mê, sở thích, năng lực bản thân để tự rèn luyện thêm các kỹ năng phát triển nghề nghiệp phù hợp.
Còn Mai Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Giàu quan tâm vấn đề vì sao ngày càng có nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm dù các bạn đều chọn những ngành “hot”, từng được giới thiệu nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Giải đáp thắc mắc này, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM bày tỏ, thị trường lao động không quy định “ngành hot” mà chỉ có những “cá nhân hot” trong từng ngành nghề lao động. Do vậy, không nên có suy nghĩ học ngành quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp sẽ làm giám đốc, cán bộ quản lý mà nên nhìn rộng hơn là có thể đảm nhận bất kỳ vị trí nào từ nhân viên đến các vị trí quản lý. Tương tự, không nên hiểu tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin chỉ có một con đường là lĩnh vực công nghệ mà có thể làm các công việc kinh doanh, bán hàng liên quan đến sản phẩm công nghệ.
Ngoài ra, nhiều câu hỏi khác liên quan đến sự “đóng băng” của lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu du học, liên kết đào tạo trong và ngoài nước của các bạn học sinh cũng được các chuyên gia giải đáp đầy đủ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo sẽ chiếm khoảng 85% thị trường lao động. Trong đó, 2 nhóm ngành nổi bật là Công nghệ - Kỹ thuật (chiếm tỷ trọng 35%) và Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm khoảng 33%).