Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các trường học thành lập và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Theo đó, cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị của học sinh, đặc biệt trên môi trường mạng và đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh theo hướng tích hợp, lồng ghép thông qua các chuyên đề của môn học và hoạt động giáo dục.
Việc xây dựng và tổ chức văn hoá học đường phải gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, qua đó tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện nhân cách, trở thành con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, điều chỉnh các hành vi ứng xử lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trong đó, hoạt động giáo dục kỹ năng sống cần đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ...
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) tham gia hoạt động chuyên đề "Học cách tôn trọng bạn" vào giữa tuần qua Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh cũng như đội ngũ giáo viên, nhân viên, hướng đến mục tiêu xây dựng "Trường học hạnh phúc".
Theo đó, trường học phải thành lập và chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư vấn học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh.
Cơ sở giáo dục xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị xâm hại, bạo lực học đường, bỏ học, vi phạm pháp luật; đồng thời tổ chức can thiệp, trợ giúp hoặc kết nối với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng can thiệp, trợ giúp đối với học sinh.
Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, các trường cần chú trọng công tác giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh, xây dựng các mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, “Trường học hạnh phúc”...
THU TÂM