TPHCM: Trường học chia sẻ kinh nghiệm xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại để thực hiện Đề án giáo dục thông minh

Sáng 10-4, tại Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM), đại diện phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT công lập đã tham gia Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại.

Hoạt động do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án "Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030".

Tăng cường trang thiết bị hiện đại

Tại hội thảo, đại diện Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý chia sẻ, ngoài việc triển khai các môn học theo quy định của Bộ GD-ĐT, đơn vị còn triển khai chương trình nhà trường gồm các câu lạc bộ và lớp học tự chọn (ở nhiều lĩnh vực như: khoa học ứng dụng, robotic, thiết kế và in 3D, kỹ sư nhí, lập trình ứng dụng).

Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các sự kiện liên quan STEM và nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động giao lưu về STEM, tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

"Để phát triển hoạt động STEM và nghiên cứu khoa học một cách bài bản, nhà trường quan tâm trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của học sinh, giáo viên, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý thông minh để đơn giản hóa quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả kết nối với hoạt động giảng dạy của giáo viên", đại diện Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý thông tin.

Trước đó, các tổ bộ môn đã họp thảo luận về nhu cầu sử dụng thiết bị của giáo viên, học sinh; xem xét các nội dung bài học có thể tích hợp hoạt động thực hành - thí nghiệm; rà soát chương trình học ở các khối lớp, câu lạc bộ, hoạt động giáo dục khác...

"Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, trong đó đòi hỏi sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh, nhà trường phải triển khai các nhiệm vụ một cách tường minh. Trong đó, kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh phải được thực hiện rõ ràng, tránh lạm dụng việc giao nhiệm vụ về nhà, gây quá tải cho học sinh", bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý cho biết.

z5333942124074_3db2753b005015dcb2f12d61b89b6db2.jpg
Đại diện các phòng ban chuyên môn của Sở GD-ĐT TPHCM chủ trì hội thảo

Cô Nguyễn Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TPHCM) bày tỏ, để đẩy mạnh chuyển đổi số, cần thay đổi trước hết nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

"Một trong những mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là xây dựng năng lực tự học cho người học. Để hoàn thành mục tiêu đó, giáo viên cần thay đổi dần thói quen học tập của học sinh thông qua việc học tập qua hệ thống LMS", đại diện Trường Trung học Thực hành nêu ý kiến.

Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn chế, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 7 cho biết, phòng GD-ĐT đang trình UBND quận 7 đề án xây dựng trung tâm thực hành thí nghiệm dùng chung cho các cơ sở giáo dục công lập ở các cấp học. Dự án có tổng vốn đầu tư cơ bản 265 tỷ đồng, kết hợp thêm các nguồn vốn vay kích cầu để tạo thêm điều kiện học tập cho học sinh.

Ở góc độ khác, theo thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ), công tác chuyển đổi số không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Trong đó, đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của chuyển đổi số.

Khai thác hiệu quả các nguồn lực

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi các nhà trường đẩy mạnh giáo dục toàn diện để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

"Hệ thống quản lý học tập là một trong những phương thức giúp học sinh phát triển các năng lực cốt lõi như đọc hiểu, nghiên cứu, thực hành... Do đó, việc giao nhiệm vụ trên hệ thống quản lý học tập nhằm thực hiện mục tiêu này, không đánh đồng việc giao bài tập về nhà với giao nhiệm vụ học tập cho học sinh", đại diện Phòng Giáo dục trung học chia sẻ.

z5333982779806_65da052624766ee469e34adae84614af.jpg
Học sinh Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7) học tập tại hệ thống phòng học hiện đại, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy học

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, các trường phổ thông cần có định hướng rõ ràng về chiến lược đầu tư, gắn với tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường, phát huy những năng lực, phẩm chất gì cho học sinh.

"Việc đầu tiên là thay đổi nhận thức của các trường, không nên có tâm lý ngồi chờ khi nào có tiền, có nguồn lực mới triển khai. Thay vào đó, các trường cần có chiến lược đầu tư dài hơi, trang bị dần qua nhiều năm, kết hợp với việc khai thác, sử dụng hiệu quả trang thiết bị để nâng cao hiệu quả dạy học", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục