Đến tham dự lễ đón nhận có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Trương Thị Hiền; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Phát biểu tại lễ đón nhận bằng công nhận, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, việc TPHCM trở thành thành viên chính thức Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là niềm vinh dự lớn lao.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, đó là kết quả của quá trình tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân thành phố, qua đó thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người dân, góp phần nâng cao vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, UBND TPHCM đã triển khai xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030”, tập trung ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.
Tính đến nay, đã có hơn 1,6 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (đạt tỷ lệ 80%), có 1.012 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” (tỷ lệ 99,39%) và hơn 10.300 người (tỷ lệ 98,02%) được công nhận danh hiệu “Công dân học tập”.
"Việc trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển để TPHCM trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi; tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số", đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.
Ghi nhận những nỗ lực nói trên, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, UNESCO đánh giá cao việc TPHCM đã thực hiện các chương trình hành động để thúc đẩy văn hóa học tập, góp phần đạt các mục tiêu về giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người.
Đại diện UNESCO nhận định, TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để ứng dụng các phương thức đổi mới, đồng thời có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo. Trong đó, một trong những sáng kiến gần đây của thành phố được đánh giá cao là việc xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc. Mô hình trường học hạnh phúc sẽ là trọng tâm của công cuộc đổi mới giáo dục, đặt hạnh phúc là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng học tập.
Trong niềm vinh dự khi đón bằng công nhận thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã phát động Chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho người dân trên địa bàn thành phố.
Song song đó, thành phố tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động thực hiện xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời. Tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập; hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TPHCM.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng thành phố học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM và các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.
Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; thực hiện hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tình hình của thành phố.
Cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, phát huy và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm hay, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng thành phố học tập.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập; xây dựng phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.
Hiện nay, Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO gồm 65 thành phố đến từ 39 quốc gia trên thế giới.
TPHCM đã sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu. Không chỉ cùng nhau xây dựng một thành phố học tập, một cộng đồng học tập, một xã hội học tập, bắt đầu từ mốc son của lễ vinh danh hôm nay, chúng ta và bạn bè trong hệ thống các thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu cùng đồng lòng, chung tay xây dựng một thế giới học tập, phát triển và bền vững.