Chiều 10-12, tiếp tục kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu tham gia phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tiến độ các dự án lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có hệ thống Metro.
Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tuyến Metro số 1 chậm đưa vào vận hành. Năm 2024, TPHCM đã nỗ lực phối hợp Trung ương tiến hành các thủ tục cuối cùng. Các thủ tục kiểm tra hồ sơ, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy dự kiến hoàn thành trong tuần này.
Về chứng nhận an toàn chạy tàu, chậm nhất hoàn thành vào ngày 20-12. TPHCM đang tích cực phối hợp Hội đồng Kiểm tra Nhà nước trong công tác nghiệm thu công trình xây dựng ở các bước cuối cùng.
Đối với những khúc mắc với phía nhà thầu, UBND TPHCM đã thành lập Tổ Công tác rà soát và giải quyết, do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường và Phó Đại sứ Nhật Bản đồng Tổ trưởng. Ngoài ra còn có sự tham gia của JICA Việt Nam, MAUR và các sở, ngành liên quan của TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ vận hành thương mại vào ngày 22-12.
Tuy nhiên, lễ khánh thành dự kiến tổ chức sau Tết Nguyên đán 2025 vì cần thời gian chuẩn bị, trao đổi với phía Nhật Bản.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin nội dung tờ trình của UBND TPHCM về Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ GTVT và qua trao đổi thống nhất với cơ quan chủ trì xây dựng Đề án Đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội, UBND TPHCM thay đổi quy mô đầu tư đường sắt đô thị.
Cụ thể, đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2045, xây dựng hoàn thành thêm 155km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km.
Trên cơ sở quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, công nghệ dự kiến lựa chọn, suất vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí khác liên quan, đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,2 tỷ USD.
TPHCM dự kiến chi 43,3 tỷ đồng/năm miễn, giảm giá vé một số đối tượng đi phương tiện công cộng
UBND TPHCM trình HĐND TPHCM dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện và hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện trên địa bàn
Cụ thể, với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện: hỗ trợ 100% giá vé cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ 100% giá vé cho hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện tuyến này bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: hỗ trợ 100% giá vé cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ 100% giá vé cho hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với các tuyến xe buýt kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 kể từ ngày 1-1-2025 cho đến ngày thành phố kết thúc việc hỗ trợ 100% giá vé cho hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện, tuyến đường sắt này.
TPHCM dự kiến chi khoảng 43,3 tỷ đồng/năm hỗ trợ miễn, giảm giá vé cho xe buýt và tàu điện, chi khoảng 33,1 tỷ đồng để hỗ trợ miễn giá vé cho hành khách đi xe buýt và tàu điện thử nghiệm trong 30 ngày.