Theo đó, nhằm phấn đấu 100% trường học tổ chức bữa ăn học đường và căn tin trường học bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã hoàn thiện bộ "Thực đơn học sinh THPT".
Cụ thể, bộ thực đơn gồm 28 thực đơn với các món ăn thay đổi trong 2 tuần, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết ở mức tối thiểu cần có.
Thực đơn mỗi ngày gồm 3 bữa ăn chính và 2 bữa nhẹ, các món ăn đa dạng, dễ chế biến từ các nguồn thực phẩm sẵn có, có giá trị sinh học cao, dễ tiêu hóa và hấp thu.
Theo khuyến nghị của cơ quan y tế, nhu cầu năng lượng của học sinh trong độ tuổi 15-18 tuổi khoảng 2.100-2.500 Kcal/ngày, tùy theo tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, mức độ hoạt động thể lực.
Học sinh Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) tham gia một hoạt động ở sân trường. |
Trong đó, nhu cầu protein chiếm 13-20% tổng năng lượng khẩu phần, nhu cầu lipid chiếm 20-30% tổng năng lượng khẩu phần và nhu cầu carbohydrate chiếm 55-65% tổng năng lượng khẩu phần.
Ngoài ra, học sinh cần được bổ sung vitamin và khoáng chất gồm vitamin A, B1, C, canxi, sắt, natri.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường tuân thủ "10 nguyên tắc vàng về an toàn vệ sinh thực phẩm", đảm bảo quy trình bếp 1 chiều, chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng; các khâu chọn lựa, bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển và phục vụ bữa ăn trưa tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh; ưu tiên chọn lựa gia vị có nguồn gốc tự nhiên, bổ sung vi chất dinh dưỡng.