Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC chia sẻ, quyết định 42/2024/QĐ-UBND do UBND TPHCM ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 29-7-2024 cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trên đại bàn thành phố. Theo đó, với các các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường hoặc dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa, chế biến thực phẩm và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các dự án sẽ được cho vay với tổng mức vay là 200 tỷ đồng/dự án và mức hỗ trợ lãi suất vốn vay từ ngân sách có thể giao động từ 50% - 100%/tổng mức vốn vay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết TPHCM là khu vực có hệ thống cơ sở khám chữa bệnh lớn nhất cả nước nên nhu cầu đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ, máy móc, thiết bị y tế,… là rất lớn. Trên thực tế, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực y tế tiếp tục có xu thế tăng nhanh, tăng mạnh trong nhiều năm lại đây. Nhiều chính sách gia tăng nội lực vốn đầu tư cho các cơ sở y tế đã được triển khai như đầu tư công, đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư theo hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vay tín dụng thương mại… nhưng tình trạng khan hiếm vốn vẫn còn khá phổ biến tại nhiều cơ sở y tế. Riêng đối với vốn đầu tư công dành cho lĩnh vực y tế vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong giai đoạn hiện nay và thời gian dài sắp tới.
Cũng theo ông Nam, hiện chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất mới đối với các dự án đầu tư có rất nhiều điểm cải cách, thuận lợi cho đơn vị có nhu cầu đầu tư. Cụ thể, quy trình, biểu mẫu rõ ràng, chi tiết. Đối tượng cho vay xem xét cho cả xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị y tế, nhất là không cần phải có vốn đối ứng. Đơn vị cũng có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau và kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án; sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp tín dụng và thời gian vay linh hoạt lên đến 7 năm.
Được biết, trước đó ngành y tế đã có hơn 30 dự án, đề án đầu tư trong và ngoài công lập được hỗ trợ vốn vay với lãi suất vay ưu đãi có tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng và đã được giải ngân. Nguồn vốn này đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển hệ thống y tế tại thành phố, mang lại nhiều giá trị trong công tác quản lý, vận hành, tự chủ tại đơn vị và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngày càng tốt hơn cho người dân.
Hiện HFIC đã bố trí nguồn vốn dự ước hơn 100.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai giải pháp liên kết hợp vốn với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đa dạng nguồn vốn cung ứng cho nhu cầu vay sử dụng của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, HFIC cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, khu chế xuất, khu công nghiệp để phổ biến chương trình hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố, góp phần gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.